Tìm cơ hội tiếp lực cho cầu lông
Thể thao - Ngày đăng : 06:32, 16/10/2021
Tuy vậy, vì nhiều lý do, có những đội tuyển nam hoặc nữ nằm trong danh sách dự giải không đến được Đan Mạch. Kết quả là có đội tuyển không thuộc danh sách được mời tham dự bổ sung, như Tahiti... Những trận đấu diễn ra trong hai ngày thi đấu đầu tiên (ngày 9 và 10-10) cho thấy sự chênh lệch về trình độ giữa các đội này so với Trung Quốc, Đan Mạch, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan... Một số VĐV của các đội được bổ sung có vị trí xếp hạng nằm ngoài top 200, thậm chí top 500 thế giới; các đội tuyển hàng đầu nhân cơ hội này cho phép các VĐV trẻ xuất trận nhằm rèn bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm...
Nhìn từ việc các VĐV cầu lông thế giới có quá nhiều cơ hội thi đấu quốc tế, thấy tiếc cho cầu lông Việt Nam dù trong vài năm qua, Vũ Thị Trang, Nguyễn Thùy Linh, Đỗ Tuấn Đức, Phạm Cao Cường, Phạm Như Thảo... và đặc biệt là Nguyễn Tiến Minh đã tham gia nhiều giải quốc tế hơn trước. Nhưng như thế là chưa đủ. Thực tế cho thấy các VĐV Đan Mạch, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... tiến bộ như thế nào nhờ được thi đấu quốc tế quanh năm. Những giải đấu quốc tế không chỉ giúp từng VĐV tiến bộ trông thấy, mà còn giúp nền cầu lông quốc gia có lực lượng kế cận dồi dào, lớp trước chưa gác vợt thì lớp sau đã ào ào “đòi thay thế”. Không như ở ta, Tiến Minh ở tuổi 37 vẫn phải gánh trọng trách ở các giải đấu lớn, ngoảnh lại chưa thấy bóng ai đủ sức thay thế anh.
Cơ hội của cầu lông Việt Nam không tệ. "Chân đế" rộng, tố chất con người phù hợp, như Nguyễn Tiến Minh từng nằm trong top 10 thế giới trong khoảng thời gian khá dài. Đó là cơ sở để ngành Thể thao có tính toán bài bản hơn trong việc đầu tư cho môn này, nhất là về công tác đào tạo trẻ, tìm giải pháp xã hội hóa để các VĐV được thi đấu quốc tế nhiều hơn...