Tổ quốc nơi đầu sóng
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:10, 16/10/2021
Tôi đi lên boong tàu ngắm nhìn biển. Biển mênh mông quá, đẹp quá. Vươn ra biển khơi để dân giàu nước mạnh đang là xu thế của thế giới. Biển Việt Nam tiềm năng rất to lớn, dầu khí, hải sản, giao thương quốc tế, đặc biệt là du lịch. Nước ta có rất nhiều bãi biển đẹp có thể thu hút hàng chục triệu du khách trong nước và quốc tế mỗi năm.
Biển mênh mông là thế nhưng không phải lúc nào biển cũng được bình yên. Có những con sóng ầm ào do chính biển gây ra, đó là những lúc dông bão, biển động, biển gầm lên như muốn “ăn tươi nuốt sống” tất cả những gì trên biển nhưng những con tàu tuần tra, cứu hộ của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam vẫn kiên cường vật lộn với sóng gió để thực thi nhiệm vụ. Bát cơm mà chiến sĩ cảnh sát biển vừa đưa lên miệng đã bị hất tung vì gặp cơn sóng to đánh vào tàu thì họ bẻ mỳ tôm để ăn. Ra boong tàu để cứu hộ cứu nạn thì ngoài mặc áo phao, các chiến sĩ còn phải buộc dây vào mình để không bị sóng hất tung xuống biển.
Nắng đã chói chang, tôi đi vào buồng lái. Thuyền trưởng Lại Vĩnh Đại mới hơn 30 tuổi, còn rất trẻ, chưa có gia đình. Anh cũng từng tham gia chiến dịch đẩy lui giàn khoan Hải Dương 981 trong vai trò thuyền phó, từng du học ở Bungari 7 năm. Tôi đã từng tiếp xúc, trò chuyện với nhiều thuyền trưởng cảnh sát biển Vùng 1 và Vùng 3 và nhận ra một điều rất mừng là thuyền trưởng nhiều con tàu hiện đại của cảnh sát biển Việt Nam còn rất trẻ, tuổi đời cũng chỉ trên 30 như Đại. Đó là thuyền trưởng tàu 8004 Đặng Văn Dũng, hay thuyền trưởng tàu 8001 Lê Văn Dương. Những thuyền trưởng này nếu gặp ở ngoài đời thì tưởng đó là giáo viên hay một chàng thanh niên nông thôn vì họ trông hiền từ, khiêm nhường. Thế nhưng họ lại được Bộ TLCSB Việt Nam trao cho trọng trách lớn - thuyền trưởng của những con tàu trị giá hàng ngàn tỷ đồng và họ đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cũng là do đặc thù nghề nghiệp, muốn đi biển được thì trước hết phải có sức khỏe, mà tuổi trẻ thì sức khỏe luôn dồi dào. Bây giờ là thời đại của cách mạng khoa học kỹ thuật nên muốn điều khiển được những con tàu hiện đại thì phải có tri thức, mà tuổi trẻ thì được học hành bài bản, tiếp thu công nghệ hiện đại rất nhanh, lại có bản lĩnh.
***
Sau hành trình 6 giờ, con tàu 8003 đã ra đến đảo Bạch Long Vĩ. Tàu lớn không vào được cảng nên phải neo đậu ngoài biển. Đoàn công tác chúng tôi được thuyền của Bộ đội Biên phòng và của ngư dân đón vào đảo.
Đảo Bạch Long Vĩ có hình tam giác, chu vi khoảng 6,5km; diện tích khoảng 1,8km2 ở mức thủy triều cao nhất và hơn 3km2 ở mức thủy triều thấp nhất. Đảo nằm trên một trong 8 ngư trường lớn của vịnh Bắc Bộ, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 130km, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng biển của Việt Nam. Đảo Bạch Long Vĩ là huyện đảo trực thuộc Hải Phòng nhưng không có đơn vị hành chính cấp xã, vì thế, mọi hoạt động đều do huyện quản lý, chỉ đạo. Bí thư - Chủ tịch huyện Trần Quang Tường mới ngoài 40 tuổi, trẻ trung, năng động đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ như gặp lại người thân sau bao ngày xa cách. Điểm đầu tiên mà anh đưa chúng tôi đến chính là Đài tưởng niệm liệt sĩ, ghi công các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ hòn đảo thiêng liêng này. Có những liệt sĩ còn rất trẻ, tuổi đời chỉ 18 đã gửi lại tuổi xuân mãi mãi ở đây.
Những năm 80 của thế kỷ trước, Bạch Long Vĩ chỉ là một hòn đảo quân sự do bộ đội đóng quân quản lý. Ngày 9-12-1992, Huyện đảo được thành lập. Ngày 26-2-1993 mới có những cư dân đầu tiên ra đảo sinh sống, họ là 62 thanh niên xung phong và một số ngư dân, cho đến nay Liên đội Thanh niên xung phong trên đảo vẫn tồn tại. Nơi ở của họ nằm trên khu đất rợp bóng cây xanh, những chú khỉ tinh nghịch thấy khách đến chạy ra ôm chân, có con táo tợn nhảy cả lên vai khách. Ngoài tăng gia sản xuất, những thanh niên xung phong còn tham gia tất cả các hoạt động trên đảo, từ bảo vệ, gữ gìn an ninh quốc phòng, tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, tuyên truyền phổ biến pháp luật, phòng chống dịch bệnh, giúp đỡ ngư dân cho đến vệ sinh môi trường. 15 cặp đôi thanh niên xung phong đã nên vợ thành chồng và lập nghiệp ở đảo, như vợ chồng bà Đỗ Thị Lan. Bà Lan là con liệt sĩ, ra đảo từ năm 1993, hiện vợ chồng bà có hai con nhưng cả hai đều về đất liền lập nghiệp.
Đảo chỉ có trường tiểu học nên con em trên đảo muốn học lên trung học thì phải vào đất liền. So với những ngày đầu ra đảo khó khăn trăm bề, không có điện, thiếu nước ngọt, nay đã có điện mặt trời, máy phát điện chạy dầu diezen, có 2 giếng nước và một hồ chứa nước ngọt dung tích 21.000m3 nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Đã 7 tháng trời không mưa, nước ngọt khan hiếm, cây cỏ chết, phải cho tàu chở nước ngọt từ đất liền ra. Phương tiện đi lại cũng khó khăn. Tàu hàng ra đảo đi mất khoảng 20 giờ, tàu chở khách nhanh hơn nhưng cũng mất gần chục giờ. Huyện được đầu tư tàu Hoa Phượng Đỏ, tháng 3 lần chở quân dân miễn phí vào đất liền và ra đảo. Hiện Nhà nước và thành phố Hải Phòng đang đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt dung tích 60.000m3; hai âu tàu cho tàu thuyền neo đậu, một ở phía Tây Nam - rộng 28ha, chứa được 300 tàu, và một ở phía Tây Bắc - rộng 20ha, chứa khoảng 200 tàu.
Đêm. Trạm hải đăng Bạch Long Vĩ rực sáng ánh đèn. Được xây dựng từ năm 1994, trạm có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia và hướng dẫn tàu thuyền qua lại tuyệt đối an toàn. Trạm trưởng Đồng Văn Cường đã có 21 năm gắn bó với nhà đèn, rong ruổi từ Vũng Tàu, ra đảo Cô Tô và cuối cùng thì neo lại Bạch Long Vĩ. Trạm có 8 cán bộ, nhân viên, họ chia nhau làm việc, chia nhau nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh, tự sửa chữa máy móc mỗi khi hư hỏng, cùng chia bùi sẻ ngọt, vượt qua bao khó khăn để ngọn hải đăng luôn được thắp sáng. Không chỉ ở trạm hải đăng mà ở tất cả những nơi mà chúng tôi đặt chân đến, từ Huyện ủy, Đồn biên phòng, Trạm ra đa 490, Trạm 1 Cảnh sát biển, Liên đội Thanh niên xung phong, Tiểu đoàn pháo phòng thủ, trường tiểu học đến gia đình các ngư dân, chúng tôi đều thấy một sức mạnh gắn kết chặt chẽ, yêu thương mà không một khó khăn nào, không một kẻ thù nào có thể hạ gục.
***
Trong chuyến đi ra đảo Bạch Long Vĩ của Đoàn công tác Bộ TLCSB Việt Nam lần này, ngoài thăm và tặng quà cho các cơ quan, đơn vị dân sự, quân sự, gia đình ngư dân khó khăn, học sinh nghèo học giỏi, 400 tờ rơi về Luật Cảnh sát biển, 200 túi thuốc, tổng trị giá 225 triệu đồng thì còn có một hoạt động rất có ý nghĩa khác là trao 200 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân để họ treo trên tàu mỗi khi ra khơi. Đây là sáng kiến “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” được Báo Người Lao động thành phố Hồ Chí Minh phát động ngày 1-6-2019. Cho đến nay, hàng trăm ngàn lá cờ Tổ quốc đã được trao đến ngư dân trong khắp cả nước và có hơn 100 doanh nghiệp, đơn vị, đoàn hội đồng hành cùng chương trình. Đánh giá về chương trình rất ý nghĩa này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Hình ảnh mỗi tàu, thuyền đánh cá của ngư dân ta với lá cờ đỏ, sao vàng tung bay trước gió trên khắp các vùng biển Việt Nam đã trở thành những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Tổ quốc ta...”.
Và bây giờ, trên đảo Bạch Long Vĩ, hình ảnh những lá cờ Tổ quốc tung bay trên các tàu cá ngư dân khiến chúng tôi xúc động, tự hào như thấy Tổ quốc đang bay lên nơi đầu sóng!