Dấu ấn của nữ giới trong ngành điện ảnh: Tất cả là nhờ tài năng

Giải trí - Ngày đăng : 05:20, 17/10/2021

(HNMCT) - Sự góp mặt ngày càng đông đảo của các nữ đạo diễn vào cộng đồng làm phim, đặc biệt là những gương mặt trẻ đang mang đến cho điện ảnh Việt nhiều màu sắc mới. Và cơ hội của các nữ đạo diễn ngày càng rộng mở hơn bởi chính những đóng góp đặc biệt của họ cho điện ảnh.

3 trong số 5 gương mặt xuất sắc nhất của Dự án “Phim ngắn CJ 2021” là nữ.

Nhiều gương mặt nữ trẻ

Trong các sân chơi điện ảnh dành cho giới trẻ, những gương mặt nữ xuất hiện ngày càng nhiều. “Dạo” quanh một số sân chơi điện ảnh sôi nổi hiện nay như các hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), Chương trình “Gặp gỡ mùa thu” hay Dự án “Phim ngắn CJ”..., có thể thấy khá nhiều gương mặt nữ bước đầu đã để lại dấu ấn trong cộng đồng làm phim.

Ở mùa tranh tài thứ 3, Dự án “Phim ngắn CJ 2021” đã chọn được 5 dự án xuất sắc nhất nhận hỗ trợ khoản kinh phí 1,5 tỷ đồng từ đơn vị tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua. Khá thú vị khi có tới 3 gương mặt nữ góp mặt trong số đó, họ đã vượt qua gần 300 hồ sơ gửi về dự thi để giành cơ hội cho tác phẩm của mình. Đó là Trần Thị Hà Trang với dự án “Cá mặt trăng”, Hồ Thanh Thảo với “Điềm báo” và Đào Thu Uyên với “Người mẹ nuốt chửng”... Theo Ban tổ chức, số lượng nhà làm phim nữ chiếm tỷ lệ khá cao so với các năm trước, cho thấy giới nữ ngày càng đam mê làm phim. Các thành viên trong hội đồng thẩm định kỳ vọng các dự án được chọn sẽ có cơ hội tiến xa tại những liên hoan phim hàng đầu, vì các thí sinh đều có tầm nhìn đạo diễn rõ ràng và chuẩn bị rất kỹ về kế hoạch sản xuất. Chương trình “Gặp gỡ mùa thu” cũng là bệ đỡ cho một số gương mặt nữ trẻ có dự án nổi bật. Trong đó có thể kể tới Dương Diệu Linh, cô gái đang nổi lên như một nhân tố mới với các phim ngắn đầu tay tự biên kịch, đạo diễn gây chú ý với giới nghề hiện nay...

Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, suốt một thời gian dài đạo diễn được coi là nghề dành cho nam giới. Cố đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp (1929 - 2013) luôn là cái tên được nhắc đến như nữ đạo diễn đầu tiên và duy nhất suốt cả chục năm. Rồi tiếp đến là đạo diễn, nghệ sĩ Đức Hoàn, đạo diễn Việt Linh, đạo diễn Nhuệ Giang... Trong khoảng chục năm trở lại đây, điện ảnh Việt không phải chỉ có thêm 1 - 2 gương mặt mà còn cho thấy cả một thế hệ đạo diễn nữ. Những cái tên như Hồng Ánh, Đặng Thái Huyền, Ngô Thanh Vân, Nguyễn Hoàng Điệp, Kathy Uyên, Luk Vân... lần lượt ghi dấu bởi những tác phẩm thành công ở cả về nghệ thuật và thương mại. Và sự xuất hiện của những nhà làm phim rất trẻ ở các sân chơi như kể trên mang đến cho điện ảnh không chỉ là những cá tính, mà còn là mang màu riêng về tính nữ trong điện ảnh.

Không có ưu ái, tất cả là nhờ tài năng

Trước câu hỏi: Liệu có sự ưu ái nào với phụ nữ khi họ chọn nghề đạo diễn hay không? Hầu hết câu trả lời từ các nữ đạo diễn đều là không. Đạo diễn Kathy Uyên, nổi tiếng với bộ phim ăn khách “Chị chị em em”, cho biết chị từng chịu nhiều áp lực khi ngồi ghế chỉ đạo bởi không được sự tin tưởng từ nhà sản xuất phim và ê kíp: “Tôi có thể khẳng định rằng vẫn có ít nhiều nghi ngờ trong mắt họ. Họ không chắc một cựu diễn viên, nay là đạo diễn có thể truyền tải bộ phim tốt hay không”. Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, người thành công với bộ phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, cho rằng các nhà sản xuất, nhà đầu tư luôn muốn an toàn về mặt doanh thu bởi số tiền bỏ ra làm phim hiện nay là rất lớn, vì lẽ đó họ khó lòng đặt cược cho những gương mặt mới, đặc biệt là nữ. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng từng chia sẻ: “Cho đến tận cùng, tôi luôn nghĩ việc làm phim chưa bao giờ là dễ với bất kỳ ai, dù là nữ, nam hay là giới tính thứ ba. Nhưng đúng là phụ nữ làm phim có rất nhiều chông gai, mũi nhọn theo kiểu rất riêng...”. Chính vì vậy, các nhà làm phim nữ cũng phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nhân sự điện ảnh. Họ chỉ có thể khẳng định bằng chính tài năng và bản lĩnh vượt qua khó khăn về giới của mình.

Ngày 19-10 tới đây, Tổ chức UNESCO phối hợp cùng Đại sứ quán Canada, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, các không gian văn hóa - sáng tạo như Hanoi Grapevine và Ơ Kìa Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “In her voice”. Đây sẽ là diễn đàn để các nhà làm phim nữ thảo luận về cơ hội, thách thức của họ trong các hoạt động điện ảnh. Cùng với đó, các chuyên gia có mặt trong chương trình sẽ chia sẻ về hành trình đến các liên hoan phim quốc tế, cách tiếp cận quỹ hỗ trợ điện ảnh, các giải thưởng ưu tiên dành cho các nhà làm phim nữ. Sự kiện này được những nhà làm phim nữ đón chờ bởi họ cần nhiều hơn những sân chơi, những cơ hội để được học hỏi, vươn ra thế giới, khẳng định mình trong lĩnh vực nghệ thuật đầy đam mê nhưng cũng lắm chông gai này.

An Định