Điểm tựa giúp doanh nghiệp, người lao động vượt khó
Đời sống - Ngày đăng : 06:34, 17/10/2021
Sau giãn cách xã hội, để phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu hồi phục, kéo theo cơ hội việc làm cho người lao động. Tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, trước đây từng bị tác động, ảnh hưởng rất lớn khi có 19 trường hợp F0 khiến nhà máy phải tạm dừng hoạt động, hàng nghìn công nhân thiếu việc làm trong một thời gian, nay đã quay trở lại sản xuất.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam Minoru Niimura cho biết, nhờ hướng dẫn của tổ chức Công đoàn, sự đồng lòng, nỗ lực, hợp tác của toàn thể cán bộ, công nhân viên trong hoạt động phòng, chống dịch, công ty đã ổn định hoạt động sản xuất. Đến thời điểm này, tại nhà máy khu vực Hà Nội ở Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh) có khoảng 7.800 lao động làm việc. Công ty cũng có những hình thức khen thưởng, khuyến khích thi đua tạo động lực để công nhân viên tiếp tục nỗ lực cống hiến, lao động sản xuất; tiến hành tuyển dụng thêm nhân lực để tăng cường hoạt động sản xuất an toàn, bù lại sản lượng đã thiếu hụt trong thời gian qua, lấy lại đà tăng trưởng.
Tại Công ty TNHH Bình Yên (quận Thanh Xuân) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sau giai đoạn giãn cách xã hội, đến nay, có 80% nhân viên, người lao động cũng bắt đầu quay trở lại làm việc với mức lương bình quân 6-8 triệu đồng/người/tháng. Bà Trương Thị Én, cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Bình Yên cho biết, Công đoàn công ty đã phối hợp cùng Ban Giám đốc vận dụng linh hoạt các nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động thi đua lao động sản xuất, chăm lo, bảo vệ tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho người lao động.
Tương tự, Công ty cổ phần Toàn Lực (quận Bắc Từ Liêm) ngay từ đầu tháng 10 đã gọi 100% lao động quay trở lại làm việc. Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Toàn Lực Nguyễn Văn Dương chia sẻ, hiện các đơn hàng của công ty đã ổn định hơn so với tháng trước, các chuỗi cung ứng cũng dần được nối lại. Công ty cũng cố gắng duy trì các biện pháp phòng, chống dịch để giữ an toàn cho nhà xưởng sản xuất…
Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, bên cạnh những doanh nghiệp cố gắng tìm kiếm nguồn hàng, duy trì việc làm cho người lao động, hiện vẫn còn nhiều đơn vị gặp khó về thông quan nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất, không xuất được hàng, giảm đơn hàng nên hoạt động cầm chừng, cho công nhân nghỉ phép năm luân phiên, hoặc chuyển chế độ làm việc 3-5 ngày/tuần...
Để tiếp thêm động lực cho lao động mới trở lại làm việc, từ giai đoạn dịch lần thứ tư đến ngày 13-10, Liên đoàn Lao động thành phố đã tổ chức thăm, tặng quà được khoảng 130.000 người lao động. Đón nhận tình cảm của tổ chức Công đoàn Thủ đô, chị Nguyễn Thúy An, công nhân Công ty TNHH Bình Yên xúc động cho hay: “Trong đợt dịch xảy ra vừa qua, tôi đã nghỉ việc 2 tháng ở nhà, thu nhập giảm. Những suất hỗ trợ của tổ chức Công đoàn tuy không quá lớn về vật chất nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp bảo đảm đời sống cho đoàn viên, người lao động, là động lực giúp chúng tôi vượt khó, thi đua lao động sản xuất”.
Để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng đã đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp công đoàn trong công tác chỉ đạo hoạt động của “Tổ an toàn Covid-19” tại doanh nghiệp; duy trì trực đường dây nóng để xử lý kịp thời những kiến nghị của đoàn viên; vận động các chủ nhà trọ tiếp tục hỗ trợ giảm tiền thuê nhà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn do thiếu việc, mất việc. Từ đó, thực sự phát huy được vai trò của tổ chức Công đoàn là điểm tựa chăm lo, san sẻ khó khăn với người lao động, tạo sự ấm lòng, an tâm tin tưởng cho đoàn viên sẵn sàng gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh.