Tháo điểm nghẽn từ những quy hoạch đặc thù
Quy hoạch - Ngày đăng : 06:08, 16/01/2023
Đột phá trong quy hoạch
Tiếp tục cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, ngoài các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết... đã được phê duyệt và báo cáo Bộ Xây dựng tại các kỳ trước, trong năm 2022, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và các đơn vị liên quan đã hoàn thành thẩm định, trình và được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt một số nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đặc thù quan trọng. Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, trong số các đồ án quy hoạch đặc thù phải kể đến Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, đây là các đồ án quy hoạch có phạm vi nghiên cứu rộng, quy mô lớn, trong đó đồ án Quy hoạch chung không gian ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần đầu tiên thực hiện, chưa có tiền lệ, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp quản lý.
“Các đồ án này tạo lập không gian phát triển đô thị ngầm cho khu vực trung tâm Thủ đô, từng bước góp phần hoàn chỉnh, phục vụ đầu tư xây dựng, khai thác hiệu quả các bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, giảm ùn tắc giao thông, qua đó góp phần hình thành đồng bộ không gian nổi với không gian ngầm trong khu vực phát triển đô thị”, đồng chí Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, hiện một số sở, ngành và chính quyền địa phương đang rà soát, nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các vị trí bến xe liên tỉnh, trung tâm tiếp vận trong quá trình nghiên cứu lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng như rà soát, đề xuất danh mục các khu vực lập quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm khu vực đô thị, sớm có báo cáo trình UBND thành phố xem xét, quyết định…
Riêng Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến những đồ án quy hoạch đặc thù, như Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận; Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) và làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm).
Cần những chính sách thực sự đặc thù
Nhiều chuyên gia quy hoạch cùng chung nhận định, việc thành phố Hà Nội là đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt quy hoạch không gian ngầm cho thấy sự cố gắng rất lớn của các đơn vị tư vấn, sự đóng góp của chuyên gia. Bản quy hoạch được duyệt đã mở ra một giai đoạn xây dựng, phát triển đô thị không chỉ là chiều rộng mà còn là chiều sâu, tạo một hệ thống không gian đô thị đồng bộ và khai thác có hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng), tới đây, thành phố Hà Nội cần lập kế hoạch triển khai các đồ án quy hoạch với thời gian cùng các nguồn lực tương ứng. Trong quy hoạch đã chỉ ra những đầu mối giao thông công cộng lớn của thành phố là hạt nhân phát triển không gian xây dựng ngầm; định hướng phát triển đô thị theo mô hình kết nối với giao thông công cộng (TOD)... Đây là cơ sở hình thành các dự án để kêu gọi đầu tư những công trình ngầm. Căn cứ vào quy hoạch chung không gian ngầm và các tuyến đường sắt đô thị đang được thực hiện, thành phố có thể lựa chọn 1-2 khu vực dự kiến phát triển theo mô hình TOD để đầu tư thí điểm.
“Quy hoạch về giao thông luôn có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giải quyết vấn đề đang gây áp lực rất lớn cho Hà Nội. Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ đã nhiều lần xem xét và đồ án được điều chỉnh, phê duyệt trong năm 2022 đã thể hiện nhiều nội dung mới, phù hợp với đặc thù của Thủ đô Hà Nội, đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh, bền vững trong tương lai. Do đó, việc sớm thu hút đầu tư, triển khai đồ án quy hoạch là vấn đề quan trọng”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm phân tích thêm, thành phố định hướng diện tích bãi đỗ xe bằng 3% diện tích đất tự nhiên, tuy nhiên, trên thực tế, Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 0,3%. Do đó, tại quy hoạch này, thành phố hướng tới điểm mới là phát triển bãi đỗ xe ngầm và bãi đỗ xe ứng dụng công nghệ cao. Cách đây hơn 20 năm, bãi đỗ xe ngầm tại một số vị trí trong thành phố đã được đề cập đến, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp nhưng bởi lúng túng về quyền sử dụng không gian ngầm nên không thành hiện thực. “Sửa đổi Luật Đất đai lần này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quy hoạch không gian ngầm, tạo ra đột phá mới, tháo điểm nghẽn cho Thủ đô Hà Nội. Với thành phố, để các dự án đặc thù thành hiện thực cần cơ chế chính sách đặc thù trong huy động nguồn lực xã hội sát với những yêu cầu, mong muốn thực tiễn”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Ngiêm nêu.