Khẩn trương khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn đê điều, thủy lợi
Công nghệ - Ngày đăng : 18:01, 20/10/2021
Báo cáo tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn cho biết, do ảnh hưởng các trận mưa lớn nên vừa qua, đê tả Đáy, đoạn thuộc địa bàn xã Sơn Công xuất hiện sự cố sạt lở, cung sạt dài hơn 100m, rộng 8-10m; đỉnh cung sạt sát mép bê tông mặt đê, tạo ra khối sạt trượt mái đê sâu khoảng 1,4m so với mặt đê cũ. Cũng trên tuyến đê này, đoạn xã Đội Bình (huyện Ứng Hòa) xuất hiện cung sạt dài khoảng 80m, rộng 3m, vị trí sạt sâu từ 0,4 đến 1,2m...
Báo cáo tại hiện trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho biết, tuyến đê hữu Đáy, đoạn xã Xuy Xá (huyện Mỹ Đức) xuất hiện sự cố lún, sụt 27m mặt đê hữu Đáy và cống qua đê Trạm bơm Tân Độ, vị trí lún sụt sâu nhất 1m. Sự cố này làm mặt đê bê tông rộng 5,1m bị sụt, nứt vỡ, toàn bộ phần giàn công tác và máy đóng mở cống bị lún nghiêng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận hành.
Lãnh đạo huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức cho biết, khi phát hiện sự cố đã huy động lực lượng, phương tiện, vật tư xử lý giờ đầu; đồng thời, mong muốn thành phố đầu tư kinh phí xây dựng công trình cấp bách xử lý sự cố, bảo vệ tuyến đê, công trình thủy lợi.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ đánh giá, những sự cố là nghiêm trọng, ảnh hưởng an toàn công trình phòng, chống thiên tai và cần cấp bách xử lý.
Sau khi kiểm tra hiện trường, nghe ý kiến báo cáo của các sở, ngành, địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các huyện, trước tiên phải ngăn phương tiện tải trọng lớn lưu thông qua khu vực đê sạt lở; đồng thời, theo dõi chặt chẽ sự cố, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư để kịp thời xử lý sự cố khi có dấu hiệu phát triển, mở rộng... Các sở, ngành khẩn trương hoàn thành việc khảo sát, đánh giá, đề xuất UBND thành phố đầu tư xây dựng công trình khắc phục các sự cố đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp đơn vị liên quan khảo sát, lập quy hoạch đê điều gắn với việc mở rộng mặt đê phát triển giao thông. Trên cơ sở đó xác định nguồn vốn, thẩm quyền đầu tư của các cấp, các ngành bảo đảm tuyến đê kiên cố, bền vững, hạn chế đầu tư dàn trải hoặc phải xử lý cấp bách; đồng thời, nghiên cứu đổi mới công nghệ thi công, xử lý các sự cố đê điều, công trình thủy lợi.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác thành phố tiếp tục kiểm tra các sự cố sạt lở trên tuyến đê hữu Bùi (đoạn xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ), đê tả Đáy (đoạn xã Song Phượng, huyện Đan Phượng) và sự cố sạt lở kè bảo vệ đê hữu Hồng (đoạn xã Phú Châu, huyện Ba Vì), sạt lở bờ sông Hồng, đoạn thuộc xã Đông Quang (huyện Ba Vì).