Điểm tựa vững chắc của người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 06:20, 20/10/2021
Đưa chính sách hỗ trợ đến với người lao động
Từ đầu tháng 10-2021 đến nay, các cơ quan Bảo hiểm xã hội trên cả nước đã huy động toàn lực lượng để triển khai gói hỗ trợ chưa có tiền lệ với kinh phí 38.000 tỷ đồng theo Quyết định số 28/ 2021/QĐ-TTg (ngày 1-10-2021) của Chính phủ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tại Hà Nội, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Nguyễn Đức Hòa cho biết, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành đang làm việc cả ngày nghỉ cuối tuần để rà soát các trường hợp đủ điều kiện thụ hưởng.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của cả hệ thống bảo hiểm xã hội, đến nay, cả nước đã cơ bản thực hiện xong chính sách giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với hơn 363.000 đơn vị, doanh nghiệp, tương ứng với hơn 9,6 triệu lao động. Tổng số tiền hỗ trợ giảm đóng là khoảng 7.600 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt cho người lao động cũng đã đến với hàng triệu lao động.
Được tiếp cận với chính sách chưa có tiền lệ này, doanh nghiệp và người lao động đều phấn khởi. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt chia sẻ: “Tổng công ty May 10 có 1.876 đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Với thủ tục nhanh gọn, đại đa số đã nhận được một khoản tiền để chi tiêu lúc khó khăn, giúp người lao động yên tâm làm việc, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội”. Còn chị Trần Thị Khánh Diên, nhân viên Công ty cổ phần Sabre Việt Nam (quận Hai Bà Trưng) xúc động: “Tôi đã dùng số tiền 2,1 triệu đồng được hỗ trợ để mua lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ gia đình”.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngoài những trường hợp đã nhận tiền, cả nước có khoảng hơn 13 triệu người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ bằng tiền mặt từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội khác liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng được ngành Bảo hiểm xã hội khẩn trương thực hiện. Từ đầu tháng 7-2021 đến nay, toàn ngành đã tiếp nhận hồ sơ và xác nhận danh sách đủ điều kiện thụ hưởng từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng của Chính phủ dành cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đối với hơn 13 triệu người lao động.
Phấn đấu tăng số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Tính ưu việt của bảo hiểm thất nghiệp đã được khẳng định. Tuy nhiên, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta còn thấp, hiện mới có hơn 13 triệu lao động/tổng số hơn 50 triệu lao động trong độ tuổi tham gia. Trong khi đó, dịch Covid-19 khiến số lao động bị ảnh hưởng về việc làm tăng cao.
“Trong quý III-2021, cả nước có 4,7 triệu người bị mất việc, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, hiện là 3,98% (những năm trước duy trì ở mức dưới 2%). Trong số này, nhiều người không thuộc đối tượng hưởng lợi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp”, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) Phạm Hoài Nam dẫn chứng.
Trước thực trạng nêu trên, cùng với việc giải quyết kịp thời các chế độ chính sách, quan tâm hỗ trợ người lao động tiếp cận với nguồn trợ giúp an sinh, các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền, vận động họ duy trì tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Những trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp còn được tư vấn học nghề để rộng mở cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, ưu tiên giới thiệu việc làm, nhằm sớm trở lại thị trường lao động.
Chị Nguyễn Thị Thanh Phương, tổ dân phố 2, thị trấn Chi Đông (huyện Mê Linh) chia sẻ: “Nhờ được ưu tiên giới thiệu việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm Hà Nội, chỉ sau gần một tháng bị mất việc, tôi đã tìm được công việc mới”.
Đối với những trường hợp chưa tham gia bảo hiểm thất nghiệp, ngành Bảo hiểm xã hội cùng các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp thu hút sự quan tâm của người lao động, người sử dụng lao động. Hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị, doanh nghiệp cũng được các bên liên quan phối hợp triển khai, qua đó phát hiện, xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Thông qua nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phấn đấu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Chẳng hạn, tại Hà Nội, ngành Bảo hiểm xã hội Thủ đô phấn đấu có số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 37% lực lượng lao động trong độ tuổi vào cuối năm nay (hiện đạt gần 33%).
Ở cấp vĩ mô, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tin tưởng, với tính ưu việt đã được khẳng định, người tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ ngày càng tăng. Phấn đấu đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bằng 28,5% tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi.