Trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung 2 dự án luật quan trọng
Chính trị - Ngày đăng : 16:16, 20/10/2021
Bảo đảm thực hiện các cam kết trong CPTPP
Trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nêu sự cần thiết ban hành luật. Trong đó, Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan giao Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát Bộ luật Tố tụng hình sự để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong CPTPP (trong thời hạn 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, tức là ngày 14-1-2022).
Trên cơ sở đó, dự thảo sửa đổi lần này tập trung sửa đổi những quy định có liên quan trong Bộ luật Tố tụng hình sự để bảo đảm thực hiện các cam kết trong CPTPP và giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự về căn cứ không khởi tố vụ án hình sự. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; khoản 1 Điều 229 về tạm đình chỉ điều tra; khoản 1 Điều 247 của Bộ luật Tố tụng hình sự về tạm đình chỉ vụ án; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 44 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án luật với những lý do như đã nêu trong tờ trình nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong CPTPP và yêu cầu theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội.
“Qua thảo luận, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị chỉ sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 để bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không sửa đổi quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý. Đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi khoản 3 Điều 146 ngay trong lần sửa đổi này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát huy nguồn lực của công an xã để kịp thời xử lý các vụ việc tại địa bàn cơ sở ngay khi tiếp nhận tố giác, tin báo, đồng thời giúp giảm tải cho cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện khi đã thực hiện việc điều động số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ xuống cấp xã”, đồng chí Lê Thị Nga cho biết.
Sửa đổi, bổ sung 3 nội dung lớn trong Luật Thống kê
Trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung 3 nội dung lớn. Cụ thể, bổ sung quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); bổ sung quy định về việc định kỳ 5 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội; sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Đối với nguyên tắc xây dựng, lựa chọn chỉ tiêu thống kê quy định trong Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước. Đây là những thông tin, số liệu về kinh tế - xã hội chủ yếu ở tầm quốc gia; chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải bảo đảm tính khả thi và chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải bảo đảm so sánh quốc tế; phù hợp với thực tiễn thống kê và tuân thủ các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc.
Báo cáo thẩm tra về tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê như các lý do đã nêu trong tờ trình nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị, ngoài 3 nhóm nguyên tắc chung xây dựng Danh mục được nêu trong tờ trình, cần bổ sung cụ thể hơn một số nguyên tắc như Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cần bổ sung các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, năng suất, giá trị, mức độ phát triển bảo đảm phản ánh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các chỉ tiêu phản ánh chất lượng sống theo đo lường kết quả đầu ra; cụ thể hơn nguyên tắc phân định giữa hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và chỉ tiêu ngành, địa phương; tính khả thi về nguồn lực triển khai thực hiện và hướng tới tiết kiệm nguồn nhân lực và tài chính.
Sau khi nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.