Thảo luận việc sửa đổi, bổ sung hai dự án luật quan trọng

Chính trị - Ngày đăng : 18:44, 20/10/2021

(HNMO) - Chiều 20-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu bày tỏ sự tán thành việc cần thiết sửa đổi một số điều trong hai dự án luật trên nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn...

Các đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ chiều 20-10.

Tạo thống nhất trong các chỉ số thống kê

Trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn thành phố Hà Nội) nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển văn hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, song trong Luật Thống kê chỉ đề cập đến một chỉ tiêu duy nhất về di sản văn hóa quốc gia.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu.

“Thực tế cho thấy, văn hóa có sự đóng góp lớn đối với sự phát triển của đất nước, nhưng việc đánh giá các chỉ số phát triển văn hóa lại chưa đề cập trong Luật Thống kê. Vì thế, tôi cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung các chỉ số thống kê về phát triển văn hóa để qua đó có sự đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực quan trọng này”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.

Nêu thực trạng thời gian qua chưa có sự thống nhất, liên thông giữa các bộ, ngành cũng như các địa phương trong đánh giá tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nên dẫn đến nhiều bất cập, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, cần có bộ tiêu chí đánh giá chung cả nước để tạo sự thống nhất khi thực hiện thống kê các chỉ số.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu.

Trong khi đó, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn thành phố Hà Nội) lại cho rằng, cơ quan soạn thảo cần chú trọng đến nội dung thống kê liên quan đến kinh tế biển và môi trường của Việt Nam. “Về vấn đề môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, trong đó có các sự cố về môi trường hoặc các tranh chấp liên quan đến môi trường. Vì thế, chúng ta cần có các chỉ tiêu về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu”, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị.

Trao đổi về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, phạm vi sửa đổi Luật Thống kê cần rộng hơn để phục vụ việc hoạch định chính sách, quan trọng hơn là bảo đảm thông suốt cùng một mặt bằng, phù hợp thông lệ quốc tế.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, hệ thống chỉ tiêu quốc gia phải bảo đảm được 3 yếu tố. Thứ nhất, phải phản ánh khách quan, toàn diện tình hình thực tiễn thì mới phân tích, đánh giá được. Từ đó mới sang yếu tố thứ hai là giúp các cơ quan Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách. Thứ ba là phải phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu.

Nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Thống kê cần đánh giá tổng kết kỹ hơn chứ ở đây chỉ sửa một phần cục bộ. Bởi thực tế cho thấy đã đến lúc phải thay đổi cả mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của ngành Thống kê.

Bày tỏ tán thành với việc bổ sung nhiều tiêu chí thống kê, đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu kỹ các quốc gia có cùng mức độ tăng trưởng như chúng ta, bởi thống kê là ngành kinh tế phục vụ đắc lực cho việc phân tích chính sách. Nếu như chúng ta không liệt kê ra hết các tiêu chí để thống kê, từ đó định lượng được, thì sẽ không tính toán được biến số của ngành kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu.

Phát huy vai trò của lực lượng công an xã

Thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn thành phố Hà Nội) góp ý về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Trong đó, bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã (như đối với công an phường, thị trấn, đồn công an).

Cụ thể, công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Theo đại biểu, việc sửa đổi này là cần thiết vì thời gian qua, đội ngũ công an chính quy được điều động về các xã làm nhiệm vụ rất hiệu quả và góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu.

Nhất trí với quan điểm cho rằng cần rà soát lại toàn bộ Bộ luật Tố tụng hình sự để sửa đổi kịp thời cho phù hợp với thực tiễn, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, cần làm rõ nội hàm khoản 3 Điều 146 về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm nhằm tránh trình trạng giao quá nhiều việc cho công an xã.

Đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình với tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi thực hiện cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung bộ luật này cần có lộ trình, trách việc sửa đổi lắt nhắt và thiếu tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, đại biểu Nguyễn Hải Trung và đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn thành phố Hà Nội) đều cho rằng, việc đưa lực lượng công an chính quy về các xã trên địa bàn Hà Nội đã góp phần ổn định, tạo chuyển biến tích cực trong bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn nông thôn. Cùng với đó, Bộ Công an cũng không ngừng chú trọng đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lực lượng này để đáp ứng được nhu cầu trong tình hình mới. Vì thế, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi trên là cấp thiết để phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Đình Hiệp - Tiến Thành