JICA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực chống dịch và phục hồi kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 14:10, 21/10/2021
Chia sẻ tại họp báo, Trưởng đại diện JICA tại văn phòng Việt Nam Shimizu Akira đánh giá cao những nỗ lực phòng Covid-19 của Việt Nam trong thời gian qua, nhấn mạnh, Việt Nam là một trong số ít những nước đã khống chế thành công sự lây lan của dịch bệnh. Trong nỗ lực đó, Nhật Bản đã giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn trong đợt dịch thứ tư, trong đó có hơn 4 triệu liều vắc xin Covid-19. Đặc biệt, hơn 260 công ty Nhật Bản đã hỗ trợ 158,6 tỷ đồng cho Quỹ vắc xin phòng Covid-19 của Việt Nam.
Trưởng đại diện JICA cũng cho hay, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các giải pháp cân bằng giữa chống dịch và phát triển kinh tế, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu này thông qua việc tăng cường năng lực bệnh viện tuyến trên và thiết bị cho tuyến dưới để Việt Nam nâng cao hệ thống y tế của mình. "Chính phủ Việt Nam với chủ trương cân bằng trong chống dịch - phát triển kinh tế và các dự án hỗ trợ của JICA cũng sẽ tập trung vào những trọng tâm này" - ông Akira khẳng định.
Cụ thể, JICA tiếp tục tập trung tăng cường y tế nòng nốt cho tuyến trên, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện trung ương Huế và một số bệnh viện tại phía Nam…; song song tăng cường năng lực thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến dưới.
Để ngăn truyền nhiễm, JICA hỗ trợ xây dựng phòng xét nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh để tăng cường xét nghiệm và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm; hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo xuống các y tế tuyến dưới. JICA cũng hỗ trợ đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp trong chống dịch ở Việt Nam thời gian qua, như viện trợ cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bạch Mai… hệ thống xét nghiệm PCR, điều hòa trung tâm, các trang bị phục vụ điều trị...
Đối với nỗ lực phục hồi kinh tế sau dịch của Việt Nam, JICA sẽ tập trung vào hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở, trong đó có các cảng quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cảng Lạch Huyện…, các tuyến cầu trên đường sắt Bắc - Nam, qua đó cũng góp phần tăng cường kết nối ASEAN, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.
Cùng với đó, JICA sẽ hỗ trợ về nhân lực thông qua hợp tác đào tạo tại Việt Nam, trong đó chú trọng thúc đẩy công nghiệp hóa, chuyển đổi số, 5G, triển khai các dự án hợp tác kỹ thuật nghiên cứu, liên kết giữa các doanh nghiệp - cơ sở đào tạo tại khu vực phía Nam...
Về dài hạn, đại diện JICA tại Việt Nam khẳng định, tổ chức này sẽ nỗ lực hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và tài chính, thúc đẩy hơn nữa việc kết nối con người với nhau, qua đó góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Cũng trong khuôn khổ họp báo, JICA đã chia sẻ thông tin về một số hoạt động hỗ trợ trong tài khóa 2020 (từ tháng 4-2020 đến tháng 3-2021), trong đó nhấn mạnh cam kết cho vay 49,4 tỷ yên (khoảng 10.041 tỷ đồng), hợp tác kỹ thuật không hoàn lại 4,3 tỷ yên (khoảng 874 tỷ đồng), viện trợ không hoàn lại 2,1 tỷ yên (khoảng 427 tỷ đồng).