''Sống chung'' thế nào?
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:11, 22/10/2021
Kể từ thời điểm Công điện số 21/CĐ-UB của UBND thành phố có hiệu lực, đã gần 1 tuần qua phố phường Thủ đô lại nườm nượp người xe, nhiều tuyến đường lại ùn tắc trong giờ cao điểm. Một số hoạt động kinh doanh dịch vụ đã mở lại, trong đó có các quán ăn, quán cà phê được phục vụ tại chỗ với điều kiện có vách ngăn, tấm chắn, lượng khách không quá 50% chỗ ngồi, chủ cơ sở và người phục vụ đã tiêm 2 mũi vắc xin… Cảm giác như nhịp sống bình thường đã trở lại với Hà Nội.
Trong nửa năm kể từ khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát, cả nước đã phải gồng mình trong cuộc chiến chống đại dịch. Nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, trong đó có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…, dù đây là điều không ai mong muốn. Sau rất nhiều nỗ lực, đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhưng chúng ta cũng gánh chịu nhiều tổn thất, thiệt hại to lớn. Kinh tế - xã hội cũng như sản xuất kinh doanh nói riêng bị đình đốn, giảm sút nghiêm trọng, chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy, vận tải hàng hóa, hành khách gần như tê liệt, cộng đồng doanh nghiệp điêu đứng, đặc biệt là đời sống người dân, nhất là người lao động, rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.
Không thể cứ mãi chống dịch bằng cách “đóng cửa”. Bởi thế, Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 12-10 của Chính phủ thực sự là một quyết định đúng đắn, một bước ngoặt quan trọng để phục hồi, phát triển kinh tế và cũng là điều mà người dân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp mong chờ từ lâu.
Đất nước đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, "sống chung với dịch”. Bình thường mới là bình thường trong tình hình mới, chứ không phải bình thường như cũ. “Sống chung với dịch” tức là đời sống xã hội phải vận động, thay đổi để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh chưa biến mất hoàn toàn mà vẫn tồn tại trong cộng đồng và có nguy cơ bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Có nghĩa là chúng ta “mở cửa” nhưng không “mở toang”, vẫn cần phải áp dụng những biện pháp phòng chống dịch cụ thể, phù hợp.
Thực tế trong những ngày “mở cửa” vừa qua, Hà Nội đã phát sinh thêm nhiều ca dương tính mới. Theo CDC Hà Nội, tính đến ngày 17-10, cơ quan chức năng phát hiện 22 ca dương tính trong số 1.872 người trở về từ các tỉnh, thành phía Nam. Tuy nhiên, số liệu trên chưa thể nêu hết được vấn đề, bởi không loại trừ có người về từ vùng dịch nhưng không khai báo trung thực. Đáng nói là trong số đó có trường hợp không tự theo dõi, cách ly theo quy định mà còn đi lại phức tạp, tiếp xúc nhiều người, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch, như trường hợp một phụ nữ trở về từ thành phố Hồ Chí Minh sau đó đến nhà bạn ở phố Đình Ngang (quận Hoàn Kiếm) chơi, rồi đi cắt tóc, làm móng… Nhìn ra các tỉnh xung quanh như Hà Nam, Phú Thọ…, số ca dương tính cũng đang có chiều hướng gia tăng, trong đó có một tỷ lệ đáng kể là người trở về từ các vùng dịch phía Nam.
Thời gian “mở cửa” vừa qua còn cho thấy một thực trạng bất cập: Không phải cơ sở kinh doanh dịch vụ, quán ăn, quán cà phê nào cũng chấp hành nghiêm quy định về mật độ (số lượng khách) cũng như khoảng cách an toàn. Và không phải “thượng đế” nào cũng tuân thủ quy định 5K, nhất là quét mã QR, khai báo y tế khi bước chân vào cơ sở kinh doanh, quán xá… Đây thực sự là những "lỗ hổng" đáng lo ngại trong bối cảnh độ bao phủ tiêm vắc xin ở Hà Nội chưa đạt mức cao.
Chính vì vậy, bối cảnh “bình thường mới” đòi hỏi mỗi người phải tự điều chỉnh bản thân để phù hợp với tình hình hiện tại, trước hết là nâng cao nhận thức, không được chủ quan, lơ là mà luôn phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, đặc biệt là biết kiềm chế bản thân, hạn chế "buông thả", hình thành thói quen, nếp sống mới đề cao trách nhiệm với cộng đồng, ý thức “mình vì mọi người”… Có như vậy mới chung sống an toàn với dịch bệnh.