Mãi nhớ một thuở ban đầu
Văn hóa - Ngày đăng : 05:04, 22/10/2021
1. Hè năm 1959, học sinh Hà Nội chúng tôi tham gia lao động xây dựng đường Thanh Niên. Sắp hết ba tháng hè thì một hôm, có một cán bộ từ thành phố về hỏi nguyện vọng của mỗi người. Có bạn nói muốn làm cô giáo. Bạn thì mơ trở thành bác sĩ, bạn khác muốn là diễn viên... Tôi cũng mạnh dạn bộc bạch: “Em muốn làm nhà báo ạ”. Anh cán bộ ngạc nhiên hỏi: “Thế em đã viết báo bao giờ chưa?”. “Dạ, em hiện là tổng biên tập tờ báo của khối và có lần nhà báo trên thành phố đã chọn bài của em phát trên đài và đăng trên báo ạ”. Anh hỏi tiếp: “Em còn giữ bài báo đó và các bài khác em đã viết không?”. Một bạn cùng lớp đứng lên: “Bạn ý thường được cô giáo đọc bài mỗi giờ trả tập làm văn đó ạ”. “Vậy em về tìm các bài viết ấy, mang đến đây nhé. Mai tôi sẽ quay lại”. Đó là anh Bảng, chồng của chị Kê ở báo Thủ đô Hà Nội, sau là Hànộimới.
Và thế là mấy tháng sau, anh Bảng tìm đến nhà, nói tôi nộp hồ sơ để nhập học khoa Báo chí đầu tiên của Trường Tuyên giáo Trung ương, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Hồi ấy, chúng tôi được các nhà báo lão thành Lưu Quý Kỳ, Phùng Bảo Thạch, Nguyễn Hữu Thọ... cùng các nhà văn, nhà thơ Việt Phương, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi... đến nói chuyện về văn chương, thú đọc sách và việc trau dồi kiến thức. Năm 1961, tôi ra trường, một mực xin lên Tây Bắc công tác vì dạo đó rất nhiều thanh niên Hà Nội muốn được lên miền Tây. Nhưng anh Bảng đã đến trường, trực tiếp nhận tôi cùng các bạn được báo tuyển đi học về công tác tại báo Thủ Đô Hà Nội, lúc đó trụ sở ở số 6 Hai Bà Trưng.
2. Tôi làm việc ở ban Văn hóa - Xã hội do nhà báo Bình Minh làm trưởng ban. Trong ban lúc đó có nhà báo Thiều Quang, khoảng 50 tuổi. Bác coi tôi và Bích San như con cháu trong nhà. Thỉnh thoảng ba bác cháu sang câu lạc bộ Đoàn kết ngồi uống nước và trò chuyện. Có hôm Bích San than là buổi sáng dắt xe đạp ra ngõ thì có một cháu bé chạy chơi đâm sầm vào, ngã lăn ra gọi mẹ. Một anh công an đến bắt Bích San xin lỗi cháu bé, Bích San cãi: “Nó chạy chơi vô ý đâm sầm vào xe, chứ có phải lỗi của tôi đâu”. Anh công an nghiêm mặt: “Vậy mời chị về chỗ chúng tôi giải quyết”. Bích San kể, rơm rớm nước mắt: “Bác bảo thế có tức không chứ. Cháu phải đưa cái thẻ nhà báo ra ông ấy mới cho đi!”. Chuyện này khiến tôi nhớ đến buổi trước, ba bác cháu đến Nhà hát Lớn xem kịch, vừa ngồi xuống thì có tiếng gọi: “Nhàn ơi! Ấy cũng đi xem à? Lên đây tớ bảo”. Tôi nhận ra thằng bạn học cùng lớp, bèn đứng dậy định chạy lên với nó. Nhưng bác Thiều Quang lừ mắt: “Ngồi xuống! Con gái không bao giờ nghe con trai gọi là chạy đến với nó ngay. Cháu cứ ngồi im, nó sẽ chạy xuống với cháu!”. Quả nhiên, Triều chạy xuống, chào hỏi tíu tít. Còn hôm nay, nghe San kể, bác lại cười: “Các cháu còn trẻ, bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không được cáu kỉnh. Với các anh công an, cứ xưng em nhé! Không ai nỡ phạt cả, không cần phải đưa thẻ nhà báo, hiểu chưa?”. Bích San đỏ mặt, còn tôi cười: “Bác ơi, thế chúng cháu phải xưng em đến bao giờ ạ?”...
Đám con gái từ trường báo chí về còn có chị Lý Thị Trung, các bạn Kim Thoa, Bích Liên... Chúng tôi chơi với nhau thân thiết và bây giờ vẫn hay gặp gỡ. Tình thân hồi mới ra trường ở báo Thủ đô Hà Nội giúp chúng tôi sống vui và trưởng thành dần.
3. Đồng hành cùng chúng tôi, tất nhiên có các lãnh đạo. Tôi nhớ nhất anh Bình Minh. Anh phụ trách mục “Chùm ớt” chuyên phê phán những nét chưa đẹp của Thủ đô. Sau năm 1975, có lần tôi vào Nam công tác, các bạn ở báo Văn nghệ Sài Gòn nói tôi gửi mấy bài thơ tình để đăng cho đồng bào trong đó biết là miền Bắc, nhất là Hà Nội cũng yêu đương chứ không bị cấm như đồn thổi. Thế là tôi gửi chùm thơ tình, trong đó có bài "Con đường" và câu thơ tôi viết lúc ông xã còn ở trên Tây Bắc, trong khi ở cơ quan lại có một anh chàng suốt ngày theo đuổi tôi. Câu đó như sau: “Người tôi yêu đã đi xa/ Người yêu tôi lại ở nhà - chán ghê!”.
Thế nhưng khi tôi trở lại Hà Nội thì các bạn ở Sài Gòn gọi điện nói bên Tuyên giáo ở trong đó định gọi tôi vào, yêu cầu tôi giải thích rằng có phải câu thơ của tôi muốn ca ngợi những người đã di tản sang Mỹ theo diện HO gì đó, chỉ còn bọn dốt nát ở lại không? Tôi hoảng quá, ngồi khóc. Trưởng ban Bình Minh thấy vậy bèn hỏi: “Cô sợ lại phải vào trong đó để trả lời về câu thơ “Người tôi yêu” với “Người yêu tôi” phải không? Tôi biết chuyện này, vì có anh bạn gọi điện ra hỏi. Tôi đã trả lời là câu thơ này cô đã đọc cho chúng tôi nghe từ năm 1968, khi cô xin nghỉ phép lên thăm chồng ở Sơn La. Tôi còn nói cả tên anh chàng hay tán tỉnh cô nữa... Anh ấy cười, bảo may mà tôi biết rõ chứ không thì cũng phiền. Tôi đã định không nói gì với cô, nhưng cô đã biết rồi thì yên tâm đi, đừng khóc nữa!”. Anh Bình Minh là một trong số các trưởng ban mà tôi quý mến, nể phục.
Có một Phó Tổng Biên tập mà tôi rất biết ơn là anh Dương Linh. Sau giải phóng miền Nam, có một đoàn dũng sĩ diệt Mỹ ra thăm miền Bắc. Tôi được đi gặp, rất xúc động khi thấy họ đều gầy yếu, da xanh, nhất là các nữ chiến sĩ. Tôi đã làm bài thơ “Chim én” về chị Nguyễn Thị Phúc - Anh hùng lực lượng vũ trang. Trong đó có những câu:
"Cô gái ấy kém tôi gần mười tuổi
Cánh tay gầy gò má trắng xanh
Mái tóc mỏng không còn buông kín gáy
Dấu ấn tháng ngày chiến đấu gian nan
Em về đây khi Hà Nội vào xuân
Những cô gái trạc tuổi em đi trên hè phố
Tiếng guốc gõ hồn nhiên, tiếng hát bay vào gió
Má ửng hồng - sóng tóc lượn tràn vai
Còn em - em đã bước vào đời
Không với nụ cười, cũng không là tiếng hát
Mười lăm tuổi - đôi bàn chân đuổi giặc
Lửa căm hờn giục những chiến công"...
Báo đăng hôm trước thì hôm sau, một người bạn cho tôi biết có người đã gửi thư đến các báo ở Hà Nội nói Phan Thị Thanh Nhàn làm thơ châm biếm, chế giễu các cô gái dũng sĩ diệt Mỹ đã bỏ phí tuổi xuân cho rừng núi đạn bom, nay trở về gầy yếu xanh xao như xác chết. Vì thế cần trừng trị nghiêm khắc... Tôi nghe, ngơ ngác phát khóc, đúng lúc Phó Tổng Biên tập Dương Linh gọi tôi lên phòng anh. Thấy tôi mặt mũi tái mét, nhòe nước mắt, anh kéo ghế cho tôi ngồi và cười: "Chắc cô vừa nghe ai nói là có người phê phán nặng nề bài thơ của cô đăng báo hôm qua phải không? Cô yên tâm. Tôi duyệt đăng, tôi mới là người chịu trách nhiệm, cô không việc gì phải khóc. Đây, bài của một bác đã cao tuổi gửi cho báo Nhân Dân chứ không gửi cho báo ta. Anh Trưởng ban Văn xã bên đó chuyển cho tôi từ chiều qua. Và tôi đã mời cụ viết bài này đến gặp rồi. Sau khi nghe tôi giải thích, cụ đã biết cô là tác giả bài “Hương thầm”, có em trai đi bộ đội và hy sinh trước khi Sài Gòn được giải phóng, cô còn là Bí thư Chi đoàn, là phóng viên cứng của Hànộimới... Cụ ấy xin lỗi vì đã vội vàng nghĩ cô nói xấu cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thôi, cô cầm lá thư này làm kỷ niệm". Thấy tôi lau nước mắt và hơi mỉm cười, anh đùa: "Về nhà kể ông xã nghe cho vui nhé".
Tôi còn nhớ họa sĩ Lê Văn Hiệp. Anh rất có tài “phác” chân dung mọi người chỉ bằng vài động tác. Trước hoặc sau các cuộc họp chi đoàn, chúng tôi tha hồ cười khi anh không nói mà chỉ cần vài cử chỉ như khệnh khạng gác chân lên ghế hất hàm, hoặc cúi xuống ho sù sụ, hoặc giơ bàn tay lên chém gió, miệng há to như đang tranh cãi, là biết ngay anh mô tả ai. Tha hồ mà cười...
Ở báo Hànộimới khi chỉ mới ngoài 20 tuổi, tôi đã trải qua những tháng ngày đáng nhớ, đã gặp nhiều vị lãnh đạo sáng suốt, luôn bảo vệ phóng viên trẻ, đã sống hồn nhiên, hết mình với các bạn cùng trang lứa nghịch ngợm vui tươi, và nhất là có bác Thiều Quang luôn dạy dỗ bọn trẻ chúng tôi từng chút một.
Kỷ niệm những năm đầu tiên làm báo của tôi, vì thế, có thể viết cả ngày cũng không hết chuyện. Những dòng tản mạn này để ghi nhớ một thời Hànộimới trong lòng Hà Nội của tôi.