Công khai toàn diện thông tin nhằm tăng tính minh bạch của thị trường bảo hiểm

Kinh tế - Ngày đăng : 08:57, 22/10/2021

(HNMO) - Sáng 22-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình.

Trình bày dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều. Dự thảo luật đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án luật đã được Chính phủ thông qua.

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: Đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia; các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Đáng chú ý trong dự thảo luật, đã mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới. Dự thảo cũng bổ sung yêu cầu doanh nghiệp công khai thông tin một cách toàn diện, bao gồm thông tin định tính và định lượng theo định kỳ, thường xuyên, bất thường nhằm tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của thị trường.

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm; những điều đại lý bảo hiểm không được làm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

Bảo hiểm vi mô được quy định mới trong dự thảo luật bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô và các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô. Đây là loại hình bảo hiểm hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra.

Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của Bộ Tài chính trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây là nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp nhưng nội dung quy định còn chưa chặt chẽ. Đối với thông tin về tài khoản của doanh nghiệp, cần làm rõ, trường hợp cần thiết dự thảo luật cần giao trách nhiệm quy định chi tiết nội dung này.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần xem xét quy định về việc Bộ Tài chính tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm do chưa phù hợp với yêu cầu xã hội hóa ngày càng cao hiện nay, đặc biệt đối với lĩnh vực đào tạo. Cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính) chỉ nên tập trung vào việc ban hành chính sách và thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động này.

“Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề nghiệp, đăng ký và quản lý hành nghề, kiểm soát chất lượng dịch vụ, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp... nên giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Mai Hữu - Tuấn Minh