Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển 4 tỉnh, thành phố

Chính trị - Ngày đăng : 12:37, 22/10/2021

(HNMO) - Sáng 22-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày dự thảo Nghị quyết.

Tạo cơ chế thúc đẩy phát triển

Trình bày dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển các địa phương.

“Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An với 6 cơ chế, chính sách và tỉnh Thanh Hóa với 8 cơ chế, chính sách”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cụ thể, hai tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với hai tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

Đối với định mức chi thường xuyên, các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.

Dự thảo cũng đề xuất cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quỹ được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác; không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên - Huế để hỗ trợ Quỹ.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết còn quy định một số cơ chế đặc thù về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất… Dự thảo Nghị quyết nêu trên quy định thống nhất về hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban nhất trí ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Cơ chế đặc thù cần dựa trên lợi thế của địa phương

Thảo luận ở tổ về dự thảo nêu trên, các đại biểu cơ bản nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế.

Quang cảnh thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) bày tỏ, điều quan trọng là thí điểm tạo sự bình đẳng giữa các địa phương có cùng điều kiện phát triển như nhau, tạo sự thống nhất trong quản lý của Chính phủ. Đặc biệt là tránh tình trạng sắp tới, các địa phương khác cũng kiến nghị có cơ chế, chính sách đặc thù riêng.

Một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn các đặc thù, lợi thế của từng địa phương để tạo đột phá trong phát triển. Trong đó, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) đề nghị làm rõ cơ chế, chính sách đặc thù để các địa phương này tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội dựa trên lợi thế so sánh của từng địa phương.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) bày tỏ, dự thảo Nghị quyết chưa cho thấy sẽ tạo đột phá của các tỉnh, thành phố khi thực hiện; cũng như chưa có sự bao quát, chủ yếu tập trung vào cơ chế ngân sách, chưa có điểm mới để lý giải cho việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.

Trong khi đó, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng, Chính phủ đã có báo cáo về tình hình triển khai các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, nêu lên nhiều ưu điểm, kết quả bước đầu đạt được cũng như những tồn tại hạn chế. “Đây là cơ sở để các địa phương khác rút kinh nghiệm trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù trên địa bàn”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.

Còn đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) đề nghị phân quyền, phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương, tập trung tạo cơ chế thu hút đầu tư phát triển chứ không chỉ sử dụng các nguồn lực về đất đai, thu ngân sách.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) góp ý, cơ chế, chính sách cũng cần quan tâm đầu tư về năng lực con người, quan tâm hơn đến chế độ tiền lương của cán bộ để họ toàn tâm cống hiến cho sự phát triển của các địa phương nói trên.

Đình Hiệp - Tiến Thành