Bất ổn chính trị tại Romania: Nguy cơ khủng hoảng kép
Thế giới - Ngày đăng : 06:45, 23/10/2021
Theo báo Politico, ông Dacian Ciolos cần 234 phiếu tín nhiệm để vượt qua cuộc “sát hạch” tại cơ quan lập pháp Romania. Tuy nhiên, ông chỉ giành được 88 phiếu ủng hộ do không nhận được sự hậu thuẫn của các thành viên đảng Tự do dân tộc (PNL) và đảng Dân chủ xã hội (PSD) - hai đảng lớn nhất ở nước này.
Trên thực tế, kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội Romania đã nằm trong dự đoán của nhiều nhà phân tích chính trị. Bởi ngay từ khi Tổng thống Klaus Iohannis chỉ định ông Dacian Ciolos làm Thủ tướng lâm thời, nhiều ý kiến cho rằng, đây là một quyết định vội vàng. Mặc dù ông Dacian Ciolos có nhiều kinh nghiệm trên chính trường và từng là Ủy viên Nghị viện châu Âu (EP), song chính trị gia này lại là thành viên Liên minh những người Romania tiến bộ (USR-Plus) - đảng phái khởi xướng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Florin Citu, Chủ tịch đảng PNL, hôm 6-10. Thất bại tại Quốc hội có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh của ông Dacian Ciolos trong quá trình tranh cử vị trí Tổng thống Romania vào năm 2024.
Ngay trong ngày 21-10, Tổng thống Klaus Iohannis đã chỉ định tướng Nicolae Ciuca, người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng tạm quyền của Romania, đảm nhiệm vị trí thủ tướng, đồng thời giao cho ông trách nhiệm thành lập chính phủ mới nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài. Tuy nhiên, với những gì diễn ra trên chính trường Romania suốt một năm qua, dư luận tỏ ra lo ngại về khả năng chính trị gia thuộc đảng PNL này sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sắp tới tại Quốc hội.
Là quốc gia nghèo nhất EU, hiện Romania đang phải chật vật đối phó với làn sóng dịch Covid-19 thứ tư. Số ca mắc mới liên tục tăng cao khiến hệ thống y tế vốn mong manh, đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người dân Romania được tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng Covid-19 chỉ đạt 30%. Sự bất ổn về chính trị sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới những quyết sách phòng, chống dịch và là rào cản lớn đối với quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Bên cạnh đó, các cử tri Romania lo ngại, nếu chính phủ không sớm được thành lập, chính sách trợ cấp giá điện, khí đốt sẽ không được xem xét và thông qua. Trong bối cảnh mùa đông đang tới gần, nhiều người dân nghèo có thể sẽ phải chịu đựng cái rét dưới 0 độ C khi không đủ tiền để chi trả phí năng lượng liên tục tăng mạnh tại nhiều quốc gia châu Âu.
Bế tắc chính trị hiện nay cũng có thể làm chậm trễ nỗ lực của Romania trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong nước, trong đó có tình trạng tham nhũng. Đây vốn là một tiêu chí quan trọng quyết định Bucharest có thể tham gia khu vực tự do đi lại (gồm 26 quốc gia châu Âu) theo Hiệp ước Schengen hay không. Mặc dù trở thành thành viên EU năm 2007, làm đơn gia nhập Schengen năm 2011, song suốt 1 thập kỷ qua, Romania vẫn chưa đạt được nguyện vọng này do chưa đáp ứng được những tiêu chí về mặt cải cách mà EU đề ra.
Nếu Thủ tướng mới được chỉ định Nicolae Ciuca không thành lập được chính phủ hoặc nội các của ông tiếp tục không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Romania có thể sẽ phải tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Điều này sẽ khiến tình hình bất ổn càng thêm trầm trọng và nguy cơ cuộc khủng hoảng kép ngày càng hiện hữu.