Tránh ''bệnh" thành tích trong công tác thi đua, khen thưởng
Chính trị - Ngày đăng : 13:35, 23/10/2021
Thi đua, khen thưởng tạo động lực phát triển
Thảo luận ở tổ về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta đang tập trung nhiều vào khen thưởng mà chưa chú ý phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, giai tầng xã hội. “Phải làm sao thi đua thực tế hơn, tránh hình thức, thấm sâu từng cơ quan, đơn vị, tạo nên phong trào quần chúng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, trong khen thưởng có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Vì vậy, khen thưởng phải chặt chẽ, phù hợp, đúng quy định; không chỉ chú trọng khen thưởng mà còn chú trọng thi đua. Trong bối cảnh dịch Covid-19, Chủ tịch nước đề nghị nên có hình thức tôn vinh cá nhân, tổ chức tuyến đầu và cả tuyến sau chống dịch. Vì khen thưởng có quyền lợi nhất định nên Chủ tịch nước cho rằng, cần có chế tài về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình thi đua, khen thưởng.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cơ bản nhất trí với dự án Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, song kiến nghị cần tăng tính bao phủ trong các đối tượng của xã hội, đặc biệt là người dân, doanh nghiệp tư nhân, công nhân xuất sắc, tiêu biểu để các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội có cơ hội được khen thưởng. Đại biểu cũng cho rằng, các phong trào thi đua hiện nay còn mang tính hành chính hóa, chưa có cơ chế khuyến khích thi đua với người lao động, trẻ em, người dân tộc thiểu số với trình độ dân trí có hạn.
“Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng. Cùng với đó, cần rà soát lại các danh hiệu thi đua của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố để luật hóa các danh hiệu thi đua này và chú trọng đến quyền lợi của người được khen thưởng ngoài danh hiệu thi đua, ví dụ như được tăng lương, đăng tên trong bảng vàng, hoặc mua nhà ở xã hội... Đặc biệt, cần đơn giản hóa các thủ tục xét tặng danh hiệu khen thưởng gắn với trách nhiệm của cấp đề nghị và chịu trách nhiệm về thành tích này”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu kiến nghị.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình khi Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi với mục tiêu hướng đến người lao động trực tiếp trong xã hội. “Hiện nay, các tiêu chí, tiêu chuẩn vẫn chung chung, chủ yếu dành cho cán bộ, công chức khối cơ quan hành chính nhà nước. Vì thế, việc sửa đổi cần xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cần cụ thể. Đặc biệt là để Luật Thi đua, khen thưởng phải trở thành động lực để các đối tượng được khen thưởng tiếp tục có nhiều đóng góp cho xã hội”, đại biểu Trương Xuân Cừ nêu.
Nhìn nhận điện ảnh như một ngành kinh tế
Thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Kon Tum) cho biết, số liệu thống kê từ năm 2013 đến nay, ngân sách nhà nước cấp 657 tỷ đồng cho ngành Điện ảnh để thực hiện các bộ phim theo nhiệm vụ, trung bình mỗi năm khoảng 70 tỷ đồng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thực tiễn khi đấu thầu sản xuất phim thì không có đơn vị nào tham gia dự thầu. Sau đó, thực hiện quyết định, không có ai đấu thầu mới được đặt hàng, chỉ định thầu, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ chính trị Đảng, Nhà nước giao phải làm ngay.
“Đưa ra những số liệu này để các đại biểu hiểu được các đặc thù khó khăn của ngành Điện ảnh, trên cơ sở đó có những góp ý sát đúng trong dự thảo luật này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Còn đại biểu Trần Việt Anh (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự nhất trí với các nội dung trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) khi nhìn nhận đây vừa là ngành nghệ thuật, vừa là kinh tế trong bối cảnh công nghệ số phát triển. Liên quan đến quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, đại biểu nhất trí với phương án 2 trong tờ trình của Chính phủ. Đó là giữ nguyên quy định của luật hiện hành, bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim.
Cho rằng cần sửa đổi Luật Điện ảnh cho phù hợp với thực tiễn, đại biểu Bùi Huyền Mai (Đoàn Hà Nội) nêu kiến nghị, việc sửa đổi phải bảo đảm tính khả thi, cụ thể; bảo đảm các quy định về tác quyền cũng như thể chế hóa các quy định của Nhà nước nhằm thúc đẩy nghệ thuật điện ảnh Việt Nam phát triển, hướng đến công nghiệp văn hóa để đóng góp cho nền kinh tế.
“Về nhóm chính sách liên quan đến phát triển điện ảnh còn có nhiều điều luật khác nhau, không có sự tập trung, vẫn nặng bao cấp, chưa cho thấy nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam tiếp cận với thế giới ra sao, việc huy động nguồn lực xã hội để phát triển như thế nào. Vấn đề chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm các phim phát trên không gian mạng cũng thực sự khó khăn bởi phim chiếu trên mạng rất khó kiểm soát. Đặc biệt, quy định cho phép nhà sản xuất tự phân loại, đánh giá, đưa các cảnh báo thì càng khó kiểm soát hơn, mất công bằng với các nhà sản xuất phim chiếu rạp vì họ phải xin phép”, đại biểu Bùi Huyền Mai nêu ý kiến.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi Luật Điện ảnh cần xem xét đến các yếu tố khác nhau, bởi đây còn là ngành công nghiệp văn hóa. Cụ thể, việc sửa đổi phải theo xu thế phát triển văn hóa của thế giới; phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm; tăng hậu kiểm và giảm tiền kiểm vì điện ảnh phát triển trong nền kinh tế thị trường. Cùng với đó, cần chú ý đến quyền sáng tạo, hưởng thụ, nhu cầu đa dạng của người dân.
Còn đại biểu Nguyễn Kim Sơn (Đoàn Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc đầu tư, phát triển nguồn nhân lực viết kịch bản còn chưa được quan tâm một cách thỏa đáng, nên khi sửa Luật Điện ảnh cần được chú trọng hơn. Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) nhận xét, Luật Điện ảnh sửa đổi chỉ chú trọng đến khâu phát hành phim mà khâu sản xuất còn mờ nhạt, chưa rõ việc huy động nguồn lực xã hội về tài chính, trí tuệ để phát triển điện ảnh hiện đại. Đây là điều Ban soạn thảo cần lưu ý…