Không có "vùng cấm", không có "ngoại lệ" trong phòng, chống tham nhũng
Chính trị - Ngày đăng : 17:59, 23/10/2021
51 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng
Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song công tác phòng, chống tham nhũng luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Cùng với đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, năm 2021, đã có 51 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người).
“Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.
Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thanh tra Chính phủ đã tập trung chỉ đạo ngành Thanh tra căn cứ tình hình thực tế, có phương án điều hành linh hoạt, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021. Cụ thể, toàn ngành đã triển khai 6.712 cuộc thanh tra hành chính và 188.047 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 61.846 tỷ đồng, 7.206ha đất; kiến nghị thu hồi 16.775 tỷ đồng và 3.497ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 45.071 tỷ đồng, 3.708ha đất.
Đồng thời, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.925 tập thể và 4.286 cá nhân; ban hành 120.504 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 4.103 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 245 vụ, 182 đối tượng (tăng 58% số vụ). Cùng với đó, từ ngày 1-10-2020 đến 30-9-2021, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 103.208 tỷ đồng gồm: Tăng thu ngân sách nhà nước 10.957,3 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 16.687,5 tỷ đồng; kiến nghị khác 75.563,2 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, chú trọng sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định của pháp luật nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Đặc biệt là kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu
Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, năm 2021, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ tích cực chỉ đạo thực hiện như: Công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cũng như cải cách thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Tuy nhiên, công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn có những hạn chế. Cụ thể, vẫn còn tình trạng công khai thông tin không đầy đủ, công khai trong phạm vi hẹp với lý do “bí mật công tác” hoặc “quy chế phát ngôn” trong cơ quan, đơn vị, tổ chức. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế, vướng mắc. Trong khi đó, việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức ở một số cơ quan, đơn vị còn có trường hợp chưa bảo đảm; một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch…, dẫn đến phải thu hồi hoặc bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị thu hồi quyết định bổ nhiệm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế nhất định; có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Trong đó, công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu; chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu.
Thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) đề nghị làm rõ việc năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, số cuộc thanh tra hành chính giảm 32%, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giảm 39%, số tập thể bị kiến nghị, xem xét xử lý hành chính giảm 30% nhưng mức độ vi phạm về kinh tế lại tăng. Đại biểu cũng đề xuất Chính phủ cần phân tích làm rõ số liệu phòng, chống tham nhũng trên cơ sở so sánh với năm trước, từ đó xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan để đánh giá kết quả đạt được thực chất hơn, từ đó đề ra giải pháp phù hợp.
“Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, xử lý kiên quyết các hành vi tham nhũng liên quan đến hỗ trợ an sinh xã hội, phòng, chống dịch Covid-19”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nói.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. “Có thể khẳng định, năm 2021, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo với quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước”, đại biểu khẳng định.
Trong những tồn tại, hạn chế, đại biểu Trần Văn Tuấn đặc biệt quan tâm đến nguyên nhân về cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh, chưa được cải thiện. Đại biểu nhận định, quyền lực nhà nước nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến sự tha hóa, lạm quyền, lộng quyền, là nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của tham nhũng. Đại biểu đề nghị trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, trước hết, cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.