Tái đàn gắn với phòng, chống dịch bệnh

Xã hội - Ngày đăng : 06:55, 24/10/2021

(HNM) - Bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường, đồng thời đóng góp hiệu quả vào việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp Thủ đô là nhiệm vụ khó khăn với ngành chăn nuôi trong bối cảnh hiện tại. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra là tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và phòng, chống dịch bệnh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường.

Chủ động phương án sản xuất, bảo đảm nguồn cung

- Trong 9 tháng năm 2021, ngành chăn nuôi Hà Nội đã duy trì đà tăng trưởng như thế nào trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như mục tiêu tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp Thủ đô, thưa ông?

- Việc duy trì tăng trưởng của ngành chăn nuôi không chỉ đáp ứng nguồn cung thực phẩm cho thị trường hơn 10 triệu dân mà còn nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ổn định giá nông sản trên thị trường; đồng thời đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp Hà Nội…

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá thực phẩm trên thị trường có nhiều biến động; việc thực hiện giãn cách xã hội cũng tác động tiêu cực đến lưu thông, tiêu thụ sản phẩm và vận chuyển nguyên liệu sản xuất giữa các địa phương... Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của lĩnh vực chăn nuôi cơ bản vẫn ổn định. Thành phố duy trì 7.528 trang trại chăn nuôi, trong đó có 110 trang trại quy mô lớn. Riêng đàn lợn của thành phố đã lên tới hơn 1,4 triệu con, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thịt xuất chuồng trong 9 tháng cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô... Trong đó, sản lượng thịt trâu là 1.391 tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ; thịt gia cầm là 124.000 tấn, tăng 7%; thịt lợn xuất chuồng là 168.000 tấn, tăng 6,4%... Cùng với việc vận hành hiệu quả các chuỗi liên kết với nhiều tỉnh, thành phố, Hà Nội bảo đảm cung ứng đủ nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

- Xin ông cho biết, đến thời điểm này, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, công tác phát triển chăn nuôi ở các địa phương đang được triển khai như thế nào?

- Ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai các phương án sản xuất an toàn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường Hà Nội, đặc biệt là dịp cuối năm. Theo đó, tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm là ưu tiên hàng đầu. Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương tập trung tăng đàn, tái đàn ở 76 xã chăn nuôi trọng điểm trên địa bàn các huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất, Mê Linh... Chủ trương của Hà Nội là giữ vững tổng đàn gia cầm khoảng 40 triệu con và tăng tổng đàn gia súc, trong đó đưa đàn lợn của thành phố lên 1,6-1,8 triệu con với sản lượng xuất chuồng khoảng 250.000 tấn vào cuối năm 2021.

Với số lượng và sản lượng như vậy sẽ cơ bản đáp ứng nguồn cung cho người dân Thủ đô, kể cả dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

- Như trên đã nói, ngành Nông nghiệp Hà Nội đặt trọng tâm vào việc tái đàn, tăng đàn. Vậy vấn đề con giống sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Con giống có vai trò quan trọng trong việc tái đàn, cũng như quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Vì vậy, ngành Nông nghiệp đang tiếp tục tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn duy trì đàn giống. Mặt khác là đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất con giống, trong đó phát triển đàn lợn nái lên con số 200.000 con.

Đối với giống gia cầm, cùng với việc lưu giữ, phát triển các giống bản địa như: Gà Mía, gà Lương Phượng, vịt bầu cánh trắng…; Hà Nội sẽ đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để đáp ứng thị trường nội địa. Mỗi năm, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn sẽ sản xuất hơn 150 triệu gia cầm giống các loại. Đặc biệt, đối với giống bò, Hà Nội sẽ trở thành trung tâm cung cấp giống cho các tỉnh lân cận; đồng thời đẩy mạnh việc cải tạo, đưa 80% giống bò chất lượng cao vào sản xuất tại các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Mê Linh...

Chú trọng phòng, chống dịch và liên kết chuỗi

- Duy trì ổn định sản xuất trong bối cảnh khó khăn như thời gian vừa qua là một thành công, tuy nhiên thách thức vẫn ở phía trước, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi đang đẩy mạnh việc tăng đàn, tái đàn gia súc, gia cầm, tuy nhiên đây cũng là lúc nguy cơ tái phát các dịch bệnh nguy hiểm như: Viêm da nổi cục ở trâu bò, cúm gia cầm... Đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng, chống, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ của Hà Nội vẫn chiếm tỷ lệ hơn 60%, nên vẫn có nguy cơ xảy ra.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia cũng tác động tiêu cực đến việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, dẫn đến giá nguyên liệu sản xuất thức ăn hỗn hợp, đậm đặc tăng cao (trên 30%). Trong khi đó, thị trường nội địa chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi, còn lại phải nhập từ nước ngoài. Cùng với đó, giá cả thị trường sản phẩm chăn nuôi, con giống… tiếp tục biến động thất thường, gây không ít khó khăn cho người chăn nuôi. Mặt khác, giá thịt gia súc, gia cầm đang giảm mạnh, nhất là giá thịt lợn, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước...

Những vấn đề nêu trên đã và đang tác động tiêu cực đến chăn nuôi gia súc, gia cầm của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

- Vậy ngành Nông nghiệp Hà Nội cần có những giải pháp gì để thúc đẩy việc tăng đàn, tái đàn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô khi nhu cầu thị trường tăng cao, đặc biệt vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, thưa ông?

- Từ nay đến cuối năm cũng như những năm tiếp theo, Hà Nội tiếp tục tập trung phát triển đàn vật nuôi, trong đó chú trọng đến phát triển đàn bò và đàn lợn.

Do đó, cùng với việc tăng cường hướng dẫn người dân áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn thực phẩm; ngành Nông nghiệp sẽ chủ động dự báo sớm các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Lở mồm long móng, tai xanh, bệnh Dịch tả lợn châu Phi…, đồng thời thực hiện giám sát sau tiêm phòng để đánh giá tỷ lệ bảo hộ đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường...

Ngoài ra, ngành sẽ phối hợp với các địa phương triển khai thí điểm xây dựng một số xã chăn nuôi trọng điểm thành cơ sở an toàn dịch bệnh để tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Mặt khác là khuyến khích các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi tối đa hóa nguồn nguyên liệu sẵn có, giảm bớt chi phí trong quá trình sản xuất, hướng đến giảm giá thành sản phẩm…

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu với thành phố xây dựng, triển khai những chính sách hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã về ứng dụng khoa học kỹ thuật; hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ Khuyến nông thành phố. Cùng với đó là tích cực phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh liên kết, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại...; qua đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cho nông dân với giá ổn định.

Vấn đề quan trọng là tái đàn hay mở rộng quy mô chăn nuôi đều phải chú trọng công tác tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và phòng, chống dịch bệnh. Đó là giải pháp quan trọng để cân đối với nhu cầu thị trường, tránh đầu tư ồ ạt và bảo vệ thành quả đầu tư của người chăn nuôi. Hà Nội khuyến khích tái đàn ở các trang trại chăn nuôi lớn, an toàn sinh học để gia tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. 

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quỳnh