Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu: Khó giải ''bài toán'' năng lượng
Thế giới - Ngày đăng : 06:20, 24/10/2021
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 420%, là mức tăng kỷ lục trong vòng 1 năm qua. Nguyên nhân trước hết được cho là bởi mùa đông kéo dài và lạnh bất thường vào đầu năm 2021, khiến lượng dự trữ khí đốt tự nhiên của Lục địa già cạn kiệt. Hơn thế nữa, hiện nay là thời điểm hàng loạt quốc gia trên toàn cầu bước vào đà phục hồi sau đại dịch. Trong khi đó, nguồn cung thực tế lại chưa kịp tăng tốc để đáp ứng đủ nhu cầu. Khủng hoảng nguồn cung khí đốt khiến than đá, dầu mỏ và điện cũng trở nên đắt đỏ. Theo dự báo, cuộc khủng hoảng nhiên liệu tại châu Âu chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và giá khí đốt tại lục địa này sẽ còn leo thang tới hết mùa đông năm nay.
Tại hội nghị, các thành viên EU đều hướng tới việc có thể sớm giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng vọt mà không tạo ra những hệ lụy tiêu cực với thị trường. Tuy nhiên, bất chấp mong muốn chung, hội nghị chỉ chứng kiến sự nhất trí giữa các nước ở việc tiếp tục triển khai “gói công cụ” khẩn cấp ứng phó ngắn hạn - vốn được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra trước đó ít ngày. "Gói công cụ" gồm một số giải pháp tạm thời như: Hỗ trợ thu nhập trực tiếp cho các hộ gia đình; trợ cấp cho các doanh nghiệp khó khăn; giảm thuế năng lượng... Trong khi đó, các thảo luận về những giải pháp mang tính bền vững đều vấp phải những bất đồng không thể hóa giải.
Bất đồng lớn nhất nằm ở cách ứng phó của EU trong tình huống giá năng lượng tiếp tục tăng vọt trong dài hạn. Nổi bật là đề xuất thiết lập một hệ thống mua khí đốt chung giữa các nước EU kết hợp xây dựng kho dự trữ chiến lược trên toàn khối, tuy được Pháp, Tây Ban Nha, Italia ủng hộ nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước Bắc Âu. Lý do là vì các nước này vốn ít chịu tác động từ diễn biến của thị trường năng lượng hóa thạch nhờ thế mạnh về năng lượng tái tạo của mình. Tương tự, trong khi Ba Lan, Czech và Tây Ban Nha muốn hạn chế sự tham gia của các nhà đầu cơ tài chính vào thị trường giao dịch quyền phát thải các bon, điều này lại không nhận được sự ủng hộ rõ ràng từ EC.
Bên cạnh đó, hàng loạt bất đồng cũng phát sinh trong việc liệu có nên thực thi các chính sách của EU về chống biến đổi khí hậu khi mà giá năng lượng tiếp tục tăng hay không. Thủ tướng Hungaria Viktor Orban bác bỏ chính sách khí hậu của khối, cho rằng đó là những kế hoạch "không tưởng". Còn Ba Lan kêu gọi thay đổi hoặc trì hoãn một số biện pháp "xanh" trong kế hoạch chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, quan điểm này đi ngược lại với lập trường của những quốc gia khác, vốn cho rằng giá khí đốt cao sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của EU, từ đó giảm lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Nhiều đề nghị tạm sửa đổi quy định của EU để ứng phó ngắn hạn cũng vấp phải rào cản từ sự thận trọng của Đức và Hà Lan, là hai nước cho rằng khủng hoảng năng lượng có thể không kéo dài. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu cần được phân biệt rõ ràng và phản ứng một cách thận trọng.
Theo giới quan sát, nhiều bất đồng giữa các nước EU trong việc ứng phó với khủng hoảng năng lượng chưa thể giải quyết ngay trong cuộc họp thượng đỉnh lần này. Đây sẽ là vấn đề trọng tâm mà các bộ trưởng năng lượng của khối phải giải quyết trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào cuối tuần sau.