Trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020: Nhiều tác phẩm có sức lan tỏa
Văn hóa - Ngày đăng : 22:11, 24/10/2021
Nhiều tác phẩm dự giải nhất từ trước đến nay
Tại lễ trao giải, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí quốc gia năm 2020 Thuận Hữu cho biết, 15 năm qua, Giải báo chí quốc gia đã thực sự trở thành hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ có ý nghĩa và danh giá nhất, có sức thu hút, lan tỏa mạnh mẽ, hấp dẫn nhất đối với các nhà báo và lực lượng cộng tác viên trong cả nước. Trong 15 năm qua, Giải báo chí quốc gia đã thu hút hơn 21 nghìn tác phẩm báo chí tiêu biểu của gần 30 nghìn tác giả gửi về tham dự. Tất cả 63 tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và nhiều Chi hội trực thuộc Trung ương Hội đều đã tham dự, từ chỗ chỉ có 8 loại giải ban đầu, đến nay đã có 11 loại giải.
"Trong hoàn cảnh đất nước phải căng mình chống dịch Covid-19 trong năm 2020, Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020 vẫn tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực và chủ động từ các cấp hội cả nước. Chất lượng tác phẩm của nhiều địa phương được nâng cao. Tác phẩm gửi về dự giải ở mức cao nhất trong nhiều năm từ trước đến nay, với 1.931 tác phẩm, có chất lượng tốt", đồng chí Thuận Hữu thông tin.
Năm nay, Hội đồng Chung khảo giải đã chấm 150 tác phẩm thuộc 11 loại giải báo chí, được lựa chọn từ 1.823 tác phẩm của 114 cấp hội và hơn 190 tác giả là cộng tác viên. Các tác phẩm tham dự giải đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2020, như: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; công tác thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các ngày kỷ niệm lớn...
Báo chí góp phần tạo đồng thuận xã hội
Phát biểu chúc mừng và động viên các tác giả tham gia Giải báo chí quốc gia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hơn 96 năm qua, nền báo chí nước ta đã có sự phát triển vượt bậc cả về đội ngũ, kỹ thuật, công nghệ và trình độ tác nghiệp, đến nay, đã có hơn 27 nghìn hội viên nhà báo đang làm việc trong hơn 800 cơ quan báo chí.
"Kế thừa những di sản tư tưởng và thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, nhiều nhà báo đang ngày ngày dấn thân vào thực tiễn đời sống, phản ánh những vấn đề nóng hổi nhất của xã hội, giới thiệu, lan tỏa những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, nêu gương người tốt, việc tốt, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, làm giàu vốn văn hóa quốc gia, hướng đến sự nhân văn của con người. Báo chí cũng là vũ khí sắc bén đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sự suy thoái về đạo đức, lối sống; cung cấp kịp thời thông tin và công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đất nước, góp phần tạo đồng thuận xã hội và chung sức giải quyết khó khăn, thách thức trên con đường phát triển, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương các cơ quan báo chí trong năm 2020 và 2021 đã cung cấp kịp thời thông tin về tình hình dịch Covid-19, thông tin các quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch, vừa ổn định phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội...
Để báo chí tiếp tục thực hiện đúng tôn chỉ mục đích đề ra, đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục quán triệt sâu sắc, tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến rộng rãi, kịp thời quan điểm, chủ trương và giải pháp về phòng, chống dịch trong tình hình mới; tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, lực lượng báo chí cần chủ động đấu tranh chống lại những thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước của nhân dân ta...
Tại lễ trao giải, Hội đồng Giải báo chí quốc gia đã lần đầu tiên trao giải Đặc biệt cho tác phẩm "Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh, Biên niên sử truyền hình" cho các tác giả Báo Nhân Dân.
9 giải A được trao cho các tác phẩm: "Đại dịch Covid-19 - Thách thức và cơ hội" của Báo Nhân Dân; "Pháp luật về quốc phòng - hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân" của nhóm tác giả Báo Quân đội Nhân dân; "BRíu Pố và chuyện nêu gương" của nhóm tác giả Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam; "Rừng giữ đất quê hương" của Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi; "Phá rừng quy mô lớn ở Kon Tum" của nhóm tác giả Đài Truyền hình Việt Nam; "Vinh quang trên tuyến đầu" của nhóm tác giả thuộc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội; "Hiếu và Minh" của nhóm tác giả Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; "Báo chí chung tay làm sạch chính mình" của nhóm tác giả Báo điện tử VietnamNet; "Trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế" của nhóm tác giả Báo Lao động.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao 25 giải B (trong đó có loạt 5 bài: Văn hóa chính trị và góc nhìn "đạo đức người cán bộ" của nhóm tác giả: Vũ Minh Hiền (Hà Bình), Nguyễn Thanh Loan (Lan Ngọc) - Báo Kinh tế và Đô thị, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội), 45 giải C và 32 giải Khuyến khích.
Một số hình ảnh tại lễ trao giải: