Đòi hỏi từ thực tế
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 25/10/2021
Những năm gần đây, các sản phẩm hữu cơ, như: Gạo, rau, quả… đã tìm được chỗ đứng trên thị trường nội địa và một số sản phẩm của Việt Nam đã có mặt tại các thị trường nước ngoài. Tuy vậy, nông sản hữu cơ của Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác vẫn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng nông nghiệp và giá trị xuất khẩu nông sản.
Thực tế cho thấy, dù nhiều địa phương đã chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ nhưng việc khai thác hiệu quả các điều kiện tự nhiên, xã hội để phát triển loại hình này vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Nguyên nhân là do quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi khắt khe, chi phí sản xuất cao, trong khi năng suất lại thấp và thị trường tiêu thụ chưa ổn định… Mặt khác, ngành Nông nghiệp vẫn chưa hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn cũng như khung pháp lý cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Việc kiểm soát về dư lượng hóa chất cũng như sự minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ cũng là một vấn đề khiến nhiều sản phẩm hữu cơ mất uy tín trên thị trường. Đó là chưa kể đến những hạn chế trong phát triển hệ thống chuỗi sản phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu…
Để tạo bước chuyển mới, hiệu quả cho nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội, trước hết, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần có quy hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung đối với một số sản phẩm nông sản hữu cơ mà thị trường trong và ngoài nước có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã… cũng như cán bộ nông nghiệp các cấp của địa phương.
Cùng với hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm hữu cơ, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp giám sát chất lượng sản phẩm; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ… để tạo niềm tin cho người tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất chân chính.
Ngành Nông nghiệp cũng cần hoàn thiện đồng bộ quy định về quy trình sản xuất, chứng nhận, quản lý chất lượng sản phẩm hữu cơ; tham mưu với cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là việc triển khai ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học phù hợp với nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất; thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, gắn việc phát triển nông nghiệp hữu cơ với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Về phía các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân, cần xác định rõ sản xuất hữu cơ là một quá trình đầu tư bài bản, dài hơi. Trên cơ sở đó, tìm hiểu, phân tích kỹ lưỡng để lựa chọn giống cây, con phù hợp, lên phương án kết nối tiêu thụ, làm từng bước chắc chắn trước khi mở rộng sản xuất.
Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng sản xuất tất yếu, tạo bước chuyển hiệu quả trong phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.