Để Đảng ta mãi trong lòng dân

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:31, 25/10/2021

(HNM) - Trong lịch sử hơn 91 năm của mình, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng luôn gắn bó mật thiết với quần chúng yêu nước. Tôn chỉ, mục tiêu tối thượng của Đảng là vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Sự vĩ đại của Đảng không phải ở số lượng đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng, mà là ở chỗ Đảng hóa thân trong khát vọng tự chủ, tự cường, trường tồn dân tộc. Dưới ánh dương rực rỡ của Đảng, mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân không có đất sinh tồn. Nhưng chủ nghĩa cá nhân không tự nó tiêu vong mà Đảng phải có phương thức đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã minh chứng cho tinh thần cách mạng “làm trong sạch Đảng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh lúc sinh thời là phải “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Chủ nghĩa cá nhân là căn nguyên của mọi biểu hiện tha hóa quyền lực “làm quan cộng sản”, “kiêu ngạo cộng sản”.

Có thể thấy, trong thời gian qua, nhiều khi tính dân chủ bị lợi dụng, che đậy toan tính trục lợi. Nếu dân chủ mà không tự khép mình trong kỷ cương phép nước, không nói và làm theo đúng nguyên tắc Đảng thì cán bộ, đảng viên sẽ sa ngã, thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm tổn hại thanh danh và uy tín của Đảng. Vì thế, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới phải định hướng và hình thành các chuẩn mực giá trị đạo đức cách mạng, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh mọi biểu hiện lệch chuẩn đạo đức cách mạng.

Đến nay, đã có gần 100 văn bản quy định của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng vẫn còn có những nơi, những tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ, đảng viên bị mất uy tín, thậm chí gây phẫn uất lòng dân. Khi lòng dân ly tán, tất sẽ tạo kẽ hở cho nội xâm và ngoại xâm bắt tay nhau chống phá, tấn công Đảng, Nhà nước, hòng xóa bỏ chế độ.

Đặc biệt, mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang xuất lộ nhiều thứ "dịch bệnh", nguy hại nhất là “bệnh coi khinh lý luận”, mượn cớ “coi trọng thực tế” để bỏ qua cơ sở khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; hoặc chỉ miễn cưỡng học lý luận chính trị nhằm có đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch, được bổ nhiệm. Khi được quy hoạch thì làm ra vẻ “tu thân tích đức”, khi được bổ nhiệm thì kiêu căng, tự mãn, miệng nói lời mị dân nhưng thao túng, tiếp tay cho “lợi ích nhóm”, vun vén cho bản thân. Những phần tử cơ hội chính trị, những cán bộ, đảng viên hám chức vụ, mau chóng tha hóa chính trị thực sự bị dân coi là sâu mọt; và khi dân không tin thì làm sao yêu quý, giúp đỡ và bảo vệ?

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã đưa “tiêu cực” vào đối tượng của “giặc nội xâm” là hết sức xác đáng; mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị. Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới. Bộ máy công quyền được vận hành trong khuôn khổ luật pháp, được chi phối bởi nguyên tắc Đảng, tất thảy đều hiển thị ở mỗi cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; cán bộ, đảng viên là người được dân tin tưởng trao quyền đại biểu, đại diện nhân dân duy trì, vận hành bộ máy công quyền, nên dân có quyền đòi hỏi những “công bộc” trong hệ thống chính trị phải tuyệt đối trung thành với dân, với nước.

Có nhiều văn bản, có nhiều tổ chức đảm nhận chức năng “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” nhưng tai mắt của dân mới đích thực là "lưới trời" đối với những kẻ muốn tự tung tự tác phá Đảng, hại nước. Thực tế cho thấy, không ít tổ chức cơ sở Đảng định kỳ vẫn nhận xét cán bộ này, đảng viên kia “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” nhưng đến khi bị dân tố cáo, bị các cấp có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra, thanh tra mới “lòi ra” nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng.

Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khuyến cáo: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”. Vậy nên, trong chỉnh đốn, xây dựng Đảng thì dựa vào dân để làm cho Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng tầm yêu cầu nhiệm vụ mới là hoàn toàn đúng đắn. Đây là tầm nhận thức sâu hơn, trở về với giá trị cốt lõi của lý luận cũng như thực tiễn cách mạng Việt Nam “dân là gốc”, đồng thời thể hiện sự tuyệt đối trung thành của Đảng “vì nước, vì dân”.

Những điều chỉnh, điểm mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII kết luận được lòng dân đồng thuận. Cơ đồ Việt Nam đàng hoàng, bề thế, tươi sáng như hôm nay là thành quả của biết bao thế hệ đảng viên ưu tú từ nhân dân mà ra, gắn bó máu thịt với nhân dân mà trưởng thành. Chìa khóa thành công của cách mạng Việt Nam hơn 91 năm qua, cũng như về sau là không ngừng làm cho Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”, mãi trong lòng dân.

Trần Thanh Quế