Tiếp tục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
Xã hội - Ngày đăng : 06:27, 25/10/2021
Tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh chưa giảm
Tỷ số giới tính khi sinh (trẻ sinh ra còn sống) ở mức cân bằng tự nhiên là từ 103 đến 107 trẻ trai/100 trẻ gái. Thế nhưng, những năm gần đây, Hà Nội luôn nằm trong danh sách địa phương dẫn đầu cả nước về mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố năm 2010 là 117 trẻ trai/100 trẻ gái, đến năm 2018 giảm còn 113 trẻ trai/100 trẻ gái và năm 2019 là 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong 9 tháng năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh toàn thành phố là 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái. Dù tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng giảm, nhưng ở nhiều địa phương, tỷ số chênh lệch vẫn ở mức cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, đến hết tháng 9 năm 2021, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của huyện vẫn ở mức cao là 114 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2020 là 113 trẻ trai/100 trẻ gái). Nguyên nhân là ở một số xã trên địa bàn huyện, tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh chưa giảm. Hơn nữa, nhận thức về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở có nơi chưa đầy đủ, chỉ đạo không quyết liệt...
Tương tự, tại huyện Đan Phượng, những năm qua, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh luôn xấp xỉ ở mức 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng Nguyễn Gia Phúc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là tâm lý “khát” con trai. Thậm chí, nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ sinh một con và nhờ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để có con trai.
Còn theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tây Hồ Lê Thu Nga, một trong những vấn đề cần quan tâm trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tại quận Tây Hồ hiện nay là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong 9 tháng năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn quận là 110 trẻ trai/100 trẻ gái.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Nguyễn Minh Xuân cho rằng, mất cân bằng giới tính đang là mối quan ngại ngày càng lớn, gây ra không ít nguy cơ. Việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình, thậm chí gia tăng về nạn mại dâm, dẫn đến nguy cơ phát sinh nhiều đường dây buôn bán phụ nữ…
Nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái
Là một trong 100 gia đình vừa được quận Tây Hồ biểu dương vì thực hiện tốt chính sách dân số, có con gái chăm ngoan, học giỏi, anh Vũ Đình Quyết ở tổ dân phố số 13 (phường Xuân La, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Thấu hiểu sự vất vả của vợ, nên bé gái thứ hai tôi đặt tên gọi thân mật là “đu đủ”, tức là mình đã đủ con rồi, tập trung nuôi dạy con cho tốt”.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La (quận Tây Hồ) Nguyễn Văn Dũng, không phải hộ gia đình sinh con một bề nào cũng có tư tưởng tiến bộ như gia đình anh Vũ Đình Quyết. Trước thực tế đó, những năm gần đây, phường đã huy động hội viên Hội Người cao tuổi phường là những người có uy tín, kinh nghiệm để gặp gỡ, vận động các gia đình có ý định sinh nhiều con, giúp họ thay đổi nhận thức.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tây Hồ Lê Thu Nga cho hay, quận sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở y tế công lập, phòng khám y tế tư nhân nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi, xử lý các vi phạm theo quy định… Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, huyện sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số; đồng thời chỉ đạo chính quyền cơ sở thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng khoảng 107 trẻ trai/100 trẻ gái. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của trẻ em gái, quyền của phụ nữ. Cùng với đó, xây dựng chính sách, quan tâm, chăm lo hỗ trợ các gia đình sinh hai con gái, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn…
Đầu tư cho dân số là đầu tư cho phát triển bền vững; còn chăm lo tốt cho phụ nữ và trẻ em gái là hướng đến phát triển ổn định, thịnh vượng, hạnh phúc.