Thành phố Hồ Chí Minh: Không chủ quan trong phòng, chống dịch
Đời sống - Ngày đăng : 17:40, 25/10/2021
Những tín hiệu vui
Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tính đến ngày 25-10, thành phố đang điều trị cho 10.996 bệnh nhân Covid-19. Trong số này, có 286 bệnh nhân nặng đang thở máy, 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 24-10, có 689 bệnh nhân nhập viện, 539 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số người xuất viện từ ngày 1-1-2021 đến nay là 247.155 người.
Đáng chú ý, tính từ ngày 20-10 đến nay, số ca nhập viện liên tục giảm. Cụ thể, nếu ngày 20-10, có 748 người nhập viện thì đến ngày 24-10, chỉ còn 689 ca. Cùng với đó, số ca tử vong do Covid-19 theo ngày tiếp tục giảm mạnh.
Về tiêm vắc xin phòng Covid-19, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Nguyễn Hồng Tâm thông tin, tính đến hết ngày 24-10, thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được 12.749.752 mũi, gồm 7.146.125 mũi 1 (trong đó, hơn 99% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm) và 5.603.627 mũi 2 (đạt gần 78%). Đặc biệt, tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 là gần 78,5%.
Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Phạm Đức Hải nhấn mạnh, với những kết quả nêu trên, toàn thành phố Hồ Chí Minh đang đạt cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19 (vùng vàng), với 9/22 địa phương đạt cấp độ 1 (vùng xanh), 12/22 địa phương đạt cấp độ 2 (vùng vàng) và 1 địa phương (quận Bình Tân) đạt cấp độ 3 (vùng cam). Kết quả này sẽ được cập nhật mới dự kiến vào ngày 31-10 tới.
Không được chủ quan
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, tuy đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ trong phòng, chống dịch Covid-19, nhưng các số liệu thống kê cũng cho thấy nguy cơ tăng cấp độ dịch là rất lớn, nếu các cấp, các ngành và người dân chủ quan.
“Tính theo tỷ lệ ca nhiễm trong cộng đồng trên 100.000 dân, thành phố Hồ Chí Minh đang là 73,5 ca. Nếu chỉ tính con số này, thành phố phải là vùng cấp độ 3 (vùng cam). Tuy nhiên, do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 khá cao (hơn 99%) nên thành phố đạt cấp độ 2. Nếu chủ quan, nguy cơ tăng cấp độ là hiện hữu”, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh.
Chính vì vậy, thành phố đang rất thận trọng trong việc tiếp tục mở thêm các hoạt động xã hội. Đơn cử, theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, hiện 3 điểm trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối hoạt động đều; có 120/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại, cung ứng hơn 6.000 tấn nông sản thực phẩm mỗi ngày cho người dân thành phố. Đến cuối tuần, sẽ có thêm 19 chợ mở cửa, nhưng các dịch vụ ăn uống tại chỗ vẫn cần được tính toán kỹ trước khi cho hoạt động.
Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Lê Huỳnh Minh Tú nhấn mạnh: “Ngày 25-10, Sở Công Thương đã có dự thảo tiêu chí mở lại các điểm bán hàng ăn uống phục vụ tại chỗ, với nhiều quy định như bảo đảm giãn cách phòng dịch; không bật máy lạnh, không bán rượu, bia… Tuy nhiên, chúng tôi sẽ bàn kỹ với các cơ quan chức năng trước khi ban hành chính thức bộ tiêu chí này để các cơ sở kinh doanh và các địa phương thực hiện”.
Để sẵn sàng ứng phó với những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã chuẩn bị 4 kịch bản ứng phó với 4 cấp độ dịch theo quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, nếu dịch cấp độ 1 (dưới 20 ca nhiễm mới/100.000 dân/tuần), các ca nhẹ được điều trị tại nhà, với sự quản lý, chăm sóc của 312 trạm y tế xã phường, thị trấn; bệnh nhân nặng được chuyển vào bệnh viện dã chiến số 16 và một số bệnh viện chuyên ngành.
Nếu dịch đạt cấp độ 2 (từ 20 đến dưới 50 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần), bệnh nhân nhẹ được điều trị tại nhà; bệnh nhân nặng được chuyển đến bệnh viện dã chiến số 16, số 13 và một số bệnh viện chuyên ngành. Nếu dịch đạt cấp độ 3 (trên 50 đến dưới 150 ca nhiễm mới trong cộng đồng/100.000 dân/tuần), bệnh nhân nhẹ được điều trị tại nhà, với sự tham gia quản lý thêm của hơn 135 trạm y tế lưu động tại các phường, xã, thị trấn; bệnh nhân nặng được chuyển đến các bệnh viện chuyên ngành.
Nếu dịch đạt cấp độ 4 (từ 150 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần), thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực y tế để điều trị bệnh nhân tại nhà; bệnh nhân nặng được đưa vào các cơ sở y tế với tổng cộng 16.000 giường điều trị thông thường, 6.000 giường cấp cứu, hơn 2.000 giường ICU hồi sức tích cực.
“Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp quản toàn bộ hệ thống cơ sở y tế mà các lực lượng chi viện từ trung ương và các địa phương bạn để lại từ cuối tháng 10-2021. Đây là thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội lớn để ngành Y tế thành phố thể hiện vai trò, khả năng của mình trong phòng, chống dịch Covid-19. Sở Y tế kêu gọi các cấp, các ngành và người dân thành phố thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch để cùng bảo vệ thành quả chung, tiến tới kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19 trên địa bàn”, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.