Nam Phi nghiên cứu phát triển vắc xin mRNA: Nỗ lực mang tính đột phá
Thế giới - Ngày đăng : 06:18, 26/10/2021
Mở rộng sản xuất vắc xin phòng Covid-19 là vấn đề cấp bách trên toàn thế giới và châu Phi cũng không phải ngoại lệ. Các chuyên gia y tế cho biết, việc thiếu hụt nguồn cung vắc xin khiến nhiều người dân châu Phi bị phơi nhiễm trong đại dịch Covid-19. Đây cũng là châu lục được tiêm phòng ít nhất trên thế giới. Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi, hơn 10 tháng sau khi mũi tiêm phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới được thực hiện và gần hai năm sau đại dịch, chỉ có 5% người châu Phi đủ điều kiện được tiêm chủng đầy đủ. Sự thiếu hụt nguồn cung vắc xin được nhận định là do những thách thức về tiếp cận, chi phí và hậu cần, cùng những khó khăn khác.
Ông Richard Mihigo, điều phối viên tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Phi, cho biết: "Bài học mà chúng tôi đã học được trong suốt đại dịch này là cách châu Phi gần như phụ thuộc 100% vào vắc xin được sản xuất bên ngoài lục địa”. Vấn đề này cho thấy sự phụ thuộc quá lớn của châu Phi vào nguồn vắc xin nhập khẩu và sự yếu kém về công nghệ của châu Phi so với châu Âu, Trung Quốc và Mỹ.
Trong bối cảnh này, Liên minh Vắc xin và Sinh học Afrigen có trụ sở ở thành phố Cape Town (Nam Phi) đang nghiên cứu bào chế vắc xin theo công nghệ mRNA với sự hỗ trợ của WHO và cơ chế COVAX. Theo trang Apnews, trung tâm này trị giá 130 triệu rand (tương đương 8,7 triệu USD) được thành lập cách đây 3 tháng. 22 nhà khoa học trẻ đang làm việc với những thách thức to lớn để nghiên cứu ra một loại vắc xin mang công nghệ mới cung cấp cho Nam Phi và hầu hết những người nghèo nhất thế giới.
Martin Friede, điều phối viên nghiên cứu vắc xin của WHO, người đang chỉ đạo trung tâm cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm việc ở cấp độ này, vì tính cấp bách và cũng vì tính mới của công nghệ. Quy trình mRNA mới sử dụng mã di truyền cho protein đột biến của vi rút SARS-CoV-2 và được cho là kích hoạt phản ứng miễn dịch tốt hơn so với vắc xin truyền thống”. Giám đốc điều hành của Liên minh Vắc xin và Sinh học Afrigen, bà Petro Terblanche cho biết, trung tâm hướng tới việc sản xuất một loại vắc xin "siêu hiệu quả và an toàn".
Mục tiêu của Afrigen là sản xuất một loại vắc xin mRNA phù hợp với các nước nghèo, thích ứng với điều kiện thời tiết, nhiệt độ nắng nóng của châu Phi và không phải bảo quản ở nhiệt độ quá lạnh. Hiện, liên minh đang đàm phán với hãng dược phẩm Moderna về việc cấp giấp phép cho sử dụng công thức cơ bản bào chế vắc xin của hãng này.
Sự ra đời của Liên minh Vắc xin và Sinh học Afrigen sẽ bổ sung cho việc sản xuất vắc xin mRNA hiện tại của Nam Phi. Vào tháng 7 vừa qua, hãng dược phẩm Pfizer-BioNTech đã đạt được thỏa thuận với Công ty Dược phẩm Biovac của Nam Phi để sản xuất 100 triệu liều vắc xin mỗi năm. Tuy nhiên, thỏa thuận này không chuyển giao công thức bào chế mà chỉ mang tính chất “đổ đầy và hoàn thiện”.
Theo Giám đốc điều hành Petro Terblanche, Afrigen đang hướng tới việc có một phiên bản vắc xin Moderna để thử nghiệm trên người trong vòng một năm, tiến tới mở rộng sản xuất thương mại. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhận định, Liên minh Vắc xin và Sinh học Afrigen là một “sáng kiến mang tính bước ngoặt” sẽ giúp châu Phi tự quyết về năng lực sản xuất và phát triển vắc xin phòng Covid-19 trong tương lai.