Để báo chí không bị “lép vế” trước sự “tấn công” của mạng xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 11:35, 27/10/2021
Cuộc hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề ảnh hưởng từ sự phát triển thông tin trên không gian mạng để có cái nhìn đúng đắn, khách quan về không gian mạng, từ đó tìm ra giải pháp cho hệ thống truyền thông báo chí của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát triển và sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, mang tính khách quan, tính định hướng cao, thu hút đông đảo bạn đọc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nêu rõ, hệ thống báo chí của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã luôn chú trọng thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành của Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản, pháp luật của Nhà nước. Các hoạt động trọng tâm của Liên hiệp hội Việt Nam về Tư vấn giám định và phản biện xã hội; phổ biến kiến thức, khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế… đã được thông tin kịp thời, đầy đủ và đa dạng.
Tuy nhiên, để hoạt động báo chí của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát huy được thế mạnh, thực hiện đúng vai trò là cơ quan ngôn luận, cơ quan thông tin hữu hiệu của Đảng, Nhà nước thì các cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần phải tiếp tục cố gắng hơn nữa, phải đặt ra và thực hiện lộ trình, phương hướng phát triển để đưa tờ báo của mình thực sự là công cụ thông tin tuyên truyền có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước và của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Theo nhà báo Bùi Hoàng Tám (Báo Dân Trí), các cơ quan báo chí ngày nay đang chịu nhiều áp lực và thách thức từ mạng xã hội. Sự phát triển của không gian mạng khiến mọi người đều có thể là “nhà báo”. Các Facebooker, YouTuber… có mặt ở khắp mọi nơi, đua nhau đưa thông tin, mà phần lớn, đó là những thông tin sai lệch, thậm chí bịa đặt. Sự chậm trễ của báo chí chính thống, một mặt làm cho công chúng phải tiếp cận sớm các thông tin giả mạo, dẫn đến nhận thức sai lầm, mặt khác làm cho báo chí chính thống dần dần mất vai trò trên mặt trận truyền thông.
Nêu ý kiến ý kiến về phát triển tạp chí điện tử chuyên biệt trong bối cảnh không gian mạng hiện nay, nhà báo Trần Trọng An, Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Gia Đình Mới nêu rõ, không gian mạng ngày càng rộng mở do sự phát triển của công nghệ, báo chí dần mất thế độc quyền trong việc đưa thông tin nhanh, đa diện vào tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, Tiktok. Không gian dành cho báo chí ngày càng bị thu hẹp cả về phạm vi đưa tin lẫn khả năng tìm kiếm doanh thu. Xu hướng này đặt những người làm báo trước sự lựa chọn mang tính sống còn: Phát triển hệ thống báo chí có thu phí hoặc phát triển báo chí chuyên biệt trên cơ sở thông tin có kiểm chứng, có hệ thống chuyên gia uy tín đồng hành.
Nhà báo Phạm Việt Long, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa và Phát triển phát biểu nêu rõ, không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ, mang tính bùng nổ. Trong khi đó, công tác quản lý chưa phát triển kịp. Sự thúc đẩy báo chí nói chung và báo chí Liên hiệp tham gia mạnh mẽ vào mạng chưa đủ độ. Thậm chí, còn có tình trạng quay lưng lại mạng xã hội, muốn kìm hãm sự phát triển của nó.
Nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo, cho rằng trong tình hình hiện nay, mạng xã hội vừa là đối tác cũng vừa là đối thủ đối với báo chí, có sự giao thoa nhưng có ranh giới. Ngoài tác dụng tích cực như là: Kênh thu thập thông tin, kênh kiểm chứng thông tin, kênh quảng bá thương hiệu cho báo chí… thì thực trạng tin giả (fakenews) và phải chia sẻ nguồn thu khiến mạng xã hội là thách thức lớn với báo chí chính thống.
Để một cơ quan báo chí không bị “lép vế” trước sự “tấn công” của mạng xã hội, theo nhà báo Nguyễn Thành Lợi, cần 4 trụ cột: Đầu tư cho nội dung, công nghệ để phục vụ công chúng; làm tốt kinh tế báo chí; xác định rõ nhóm bạn đọc để hướng tới; cần xây dựng thương hiệu và định vị thương hiệu cho tòa soạn.