Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung xây dựng chuỗi đô thị hiện đại

Kinh tế - Ngày đăng : 07:28, 27/10/2021

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh luôn được xem là nơi “đất lành chim đậu”, thu hút đông đảo người dân trên cả nước đến sinh sống và làm việc. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa của thành phố rất nhanh, nhiều khu đô thị mới liên tiếp được hình thành. Nhằm thu hút nguồn lực, thành phố Hồ Chí Minh đã chọn tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) để tập trung xây dựng chuỗi đô thị hiện đại trong tương lai.

Dọc theo tuyến metro số 1 (thành phố Hồ Chí Minh) sẽ hình thành 10 khu đô thị. Ảnh: Quỳnh Danh

Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Hằng ngày, anh Phạm Hồng Thái (tạm trú tại quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) đi làm ở thành phố Thủ Đức bằng xe gắn máy và luôn phải đối diện với áp lực về giao thông. Vì thế, anh Thái hy vọng trong tương lai không xa sẽ mua được căn hộ ở thành phố Thủ Đức để thuận lợi đi làm. “Nếu có điều kiện, tôi sẽ chọn mua căn hộ gần tuyến metro số 1 để dễ dàng đi lại hơn”, anh Phạm Hồng Thái chia sẻ.

Phó Chánh Văn phòng Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Xuân Thụ cho biết, thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương xây dựng các khu đô thị mới theo 4 hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc). Tuy nhiên, mỗi giai đoạn thành phố sẽ tập trung nguồn lực, đẩy mạnh phát triển một hướng nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện thành phố đang tập trung phát triển đô thị theo hướng Đông với việc thành lập và xây dựng thành phố Thủ Đức.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến đến năm 2030, dân số thành phố Thủ Đức đạt khoảng 1,5 triệu người; năm 2040 đạt khoảng 2,2 triệu người... Cùng với sự gia tăng dân số, định hướng phát triển đô thị ở thành phố Thủ Đức, đặc biệt là dọc tuyến metro số 1 được thành phố Hồ Chí Minh chú trọng, quan tâm.

Dưới góc độ nhà đầu tư, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land (Vạn Phúc Group) Nguyễn Hương cho biết, doanh nghiệp bất động sản luôn đồng hành cùng chính quyền thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, phát triển đô thị. Hiện doanh nghiệp mong muốn thành phố tiếp tục cung cấp, cập nhật thông tin về cơ chế tiếp cận quỹ đất, công khai các hình thức thu hút đầu tư, rút gọn thủ tục pháp lý để tham gia đầu tư xây dựng dự án được thuận lợi hơn.

Sẽ hình thành 10 khu đô thị dọc tuyến metro số 1

Qua phân tích, đánh giá hiện trạng và định hướng quy hoạch, dọc theo xa lộ Hà Nội (có tuyến đường sắt đô thị - metro số 1 chạy song song) hướng ra cửa ngõ phía Bắc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh phát triển 10 khu đô thị từ cầu Sài Gòn đến Bến xe Miền Đông mới (thành phố Thủ Đức). Theo đó, dọc trục giao thông này được phân chia thành 10 khu vực (theo thứ tự từ A đến L), ứng với hình thành 10 khu đô thị.

Tại khu A (khu Thảo Điền), có diện tích hơn 37,7ha, thành phố định hướng phát triển các công trình đa chức năng cao tầng (từ 35 đến 40 tầng). Khu B (khu An Phú), có diện tích hơn 71,6ha, định hướng xây dựng công trình cao tầng (tối đa 40 tầng). Khu C (khu Rạch Chiếc), có diện tích hơn 33,4ha định hướng phát triển các công trình đa chức năng (tối đa 26 tầng). Khu D (khu Phước Long), có diện tích 127ha, phát triển các tổ hợp kiến trúc đa chức năng cao tầng (tối đa 45 tầng). Từ khu E đến khu L, thành phố định hướng phát triển các công trình có tầng cao thấp dần về phía cầu Đồng Nai, trên cơ sở bảo vệ giá trị cảnh quan thiên nhiên.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, cần phải có đủ vai trò của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Một trong những lợi thế lớn của thành phố Hồ Chí Minh là nguồn lực đất đai và điều kiện hạ tầng hiện hữu. Điều này giúp thành phố dễ dàng thu hút các nhà đầu tư, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư xây dựng đô thị. Phát huy tốt nhất nguồn lực này, quy hoạch phát triển đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh cần linh hoạt, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Khi đáp ứng lợi ích, người dân sẵn sàng giao đất cho Nhà nước, nhà đầu tư để phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy nhanh khâu bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã, 10 khu đô thị mới này nằm trong kế hoạch thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040. "Trong quá trình lập quy hoạch trước đây, có những vấn đề chưa đánh giá hết biến đổi trong tương lai như xây dựng các tuyến metro, thành lập thành phố Thủ Đức... Đây là những vấn đề được đưa vào nội dung điều chỉnh quy hoạch sắp tới, gắn với việc xác định nguồn lực để sớm hiện thực hóa những quy hoạch này", ông Nguyễn Thanh Nhã nhấn mạnh.

Nguyễn Lê