Triển khai hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân trong tình hình mới

Chính trị - Ngày đăng : 18:11, 27/10/2021

(HNMO) - Ngày 27-10, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết đã phối hợp với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên họp chuyên đề về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân nhằm triển khai Kết luận số 12-KL/TƯ của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Các đại biểu tham gia phiên họp chuyên đề về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu chủ trì phiên họp.

Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân kể từ Hội nghị Ngoại giao 30 đến nay (giai đoạn 2018-2021), xác định những thành tựu đạt được cũng như những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai, từ đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thích ứng trong tình hình mới.

Theo thống kê, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện đã thực hiện bảo hộ 40.594 công dân gặp sự cố, bị bắt giam, giữ ở nước ngoài; thực hiện bảo hộ đối với các trường hợp tàu cá của Việt Nam gặp sự cố trên biển; tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ, cứu hộ đối với 27 vụ/40 tàu/422 ngư dân gặp nạn trên biển; hỗ trợ thủ tục đưa 613 ngư dân về nước thông qua Quỹ Bảo hộ công dân; tổ chức đưa gần 200.000 công dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Để triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác về người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Kết luận số 12-KL/TƯ của Bộ Chính trị, phiên họp đã thống nhất đề ra các phương hướng, cần được triển khai tích cực trong thời gian tới, bao gồm: Xây dựng và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Ngoại giao về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026; tiếp tục rà soát, kiến nghị ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường đại đoàn kết dân tộc, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong biện pháp triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài.

Các ý kiến tại phiên họp nhấn mạnh việc sớm hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, hội nhập xã hội sở tại, tăng cường các biện pháp tổng thể, lâu dài nhằm hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn; đẩy mạnh việc hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc; tăng cường hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhằm kịp thời phản bác hiệu quả những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các lực lượng thù địch... 

Về công tác bảo hộ công dân, trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục rà soát các cơ chế hợp tác song phương và đa phương về lãnh sự và bảo hộ công dân, đẩy mạnh tăng cường ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về lãnh sự tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo hộ quyền và lợi ích của pháp nhân và công dân Việt Nam ở nước ngoài; phát huy tinh thần dự báo, có phương án sớm xây dựng kịch bản ứng phó kịp thời để giảm thiểu những tác động tiêu cực; chủ động thiết lập đường dây nóng giữa các cơ quan trong nước, giữa các cơ quan đại diện và cơ quan chức năng sở tại trong giải quyết các vấn đề khẩn cấp, khủng hoảng; phát huy hiệu quả việc sử dụng Quỹ Bảo hộ công dân để hỗ trợ công dân.

Quỳnh Dương