Thị trường lao động phục hồi tích cực
Đời sống - Ngày đăng : 06:08, 28/10/2021
Đa dạng ngành nghề tuyển dụng
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, nhu cầu tuyển dụng việc làm tại một số đơn vị, doanh nghiệp đang tăng trở lại. Cụ thể, tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh), Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh)... xuất hiện nhiều thông báo tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Trên các trang web tuyển dụng việc làm hay trang thông tin của các khu công nghiệp cũng có nhiều nội dung liên quan đến tuyển dụng lao động ở nhiều vị trí.
Cụ thể, Công ty Hitachi đang tuyển 100 công nhân sản xuất phụ tùng cơ khí ô tô, xe máy với mức thu nhập 6,6-8,6 triệu đồng/người/tháng. Công ty TNHH Canon cũng đăng tuyển dụng 1.000 lao động 18-35 tuổi… Theo Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Elentec (Khu công nghiệp Quang Minh) Chu Thị Nhung, công ty có nhu cầu tuyển dụng 1.000 công nhân và nhân viên kỹ thuật để phục vụ dây chuyền sản xuất trong dịp cuối năm, đến nay đã tuyển dụng được 300 lao động. Hy vọng đến cuối tháng 11, công ty sẽ tuyển đủ chỉ tiêu.
Bên cạnh nhu cầu tuyển dụng công nhân của các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng, kinh doanh... cũng tăng cao. Cụ thể, tại sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội luôn có hơn 3.000 vị trí cần tuyển dụng với mức lương 7-20 triệu đồng/người/tháng, trong đó ngành bán hàng có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Trên các website tuyển dụng lao động khác cũng đăng tải hàng nghìn vị trí kinh doanh chờ người lao động.
Chị Đinh Thu Phương, ở đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) cho biết: “Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng nên nhiều người có cơ hội tìm việc làm. Tôi cũng nhanh chóng tìm được công việc bán hàng ở gần nhà, mức lương hợp lý”.
Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của Tổng công ty trong quý III đến Tết Nguyên đán dự kiến tăng khoảng 10% để phục vụ kinh doanh tại các chuỗi siêu thị. Trong đó, nhân sự cần tuyển tập trung vào các vị trí: Quản lý các chuỗi siêu thị, làm công tác nghiệp vụ xuất - nhập khẩu, kế toán, hành chính, nhân viên bán hàng, thu ngân, công nghệ thông tin...
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, qua các kênh thông tin tuyển dụng lao động cho thấy, các ngành nghề da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện có nhu cầu tuyển dụng khoảng 24.000 công nhân. Ngành kinh doanh thương mại điện tử sẽ phục hồi bùng nổ do sức mua của người tiêu dùng, ước tính sẽ cần thêm 10.000 lao động trong những tháng cuối năm.
Tiếp tục đồng hành với người lao động
Đón bắt sự phục hồi và khởi sắc của thị trường lao động dịp cuối năm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành chia sẻ, trung tâm đã triển khai các hoạt động kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm, thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động theo nhiều hình thức. Cụ thể, trung tâm triển khai công tác thu thập thông tin về vị trí việc làm còn trống, cập nhật nhu cầu tuyển dụng của đơn vị, doanh nghiệp, nhu cầu tìm việc của người lao động vào cơ sở dữ liệu việc làm. Qua đó tổng hợp, phân tích để chia sẻ thông tin, tăng cường kết nối với doanh nghiệp và người lao động qua mạng xã hội Zalo, Facebook…
Nhằm đồng hành với doanh nghiệp và người lao động, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung tuyên truyền, vận động người lao động yên tâm làm việc, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Đồng thời, đơn vị triển khai gói hỗ trợ 10 tỷ đồng cho 20.000 đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để ổn định cuộc sống, trở lại làm việc.
Tại hội nghị triển khai Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động diễn ra ngày 15-10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, các địa phương cần chủ động nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, qua đó có giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc. Bộ đề nghị, các doanh nghiệp cần có các chính sách thu hút để người lao động yên tâm làm việc...
Về lâu dài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung rà soát lại tình hình lao động, sản xuất, kinh doanh dưới góc độ trách nhiệm của ngành để đánh giá thực chất tình hình lao động, việc làm và thực trạng thiếu hụt lao động, cơ cấu lao động, sự chuyển dịch lao động. Qua đó, kiến nghị các giải pháp, chính sách nhằm giữ chân người lao động, thu hút lao động quay trở lại làm việc.