Bùi Thu Hằng: Mơ hạt rụng mùa màng văn chương
Sách - Ngày đăng : 05:01, 29/10/2021
Đọc “Hoa tặng mình”, ấn tượng thuyết phục tôi hơn cả là những bài thơ lục bát. Bùi Thu Hằng có vẻ thuận tay hơn cả là với thể thơ này. Một thể thơ chảy ra từ ca dao, đến nay những tưởng đã cạn mòn, nhưng qua hồn điệu và cấu trúc của chị thì vẫn nồng nã. Cái cảm năng phồn thực của văn hóa dân gian gặp gỡ cái mỹ cảm sinh thái, cái tâm thế chủ động của tính nữ hiện đại, đã nảy nở bật bung những đóa thơ ám gợi.
Dường như, vẻ đẹp của mọi cảnh mọi vật, kể cả những cảnh những vật thuộc về không gian tịch lặng thiêng liêng, qua nhãn quan thơ của chị, đều được quy chiếu về vẻ đẹp mang thiên hướng phồn thực và thiên tính nữ: “Đa đoan từng tiếng chuông chùa/ Mắt đào đỏ ngóng trắng mưa bên thềm/ An Dương mới thật thà đêm/ Phây phây ngực gió trăng liềm treo non” (“Đêm An Dương”); “Màu hoa đỏ đến bần thần/ Muốn cơi trên ngực mùa xuân ngỡ ngàng/ Anh về sâu giấc mơ hoang/ Em như hoa gạo vội vàng cháy lên” (“Hoa gạo ở đền Vạn Chài”)...
Điểm mới mẻ thú vị đáng nói ở đây là, Bùi Thu Hằng vừa lấy vẻ đẹp của con người làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của thiên nhiên (chẳng hạn qua một vài thi ảnh vừa dẫn), lại vừa lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm thước đo cho vẻ đẹp của con người (chẳng hạn ví “em như hoa gạo”, hay rõ thấy nhất là qua tên của tập thơ này - “Hoa tặng mình”, và cả tên của tập thơ trước - “Lặng lẽ cánh buồm em”. Với tác giả, con người và thiên nhiên cùng bình đẳng cộng sinh trong ngôi nhà sinh thái, cùng tấu khúc hoan ca về sự sống phồn sinh, chan hòa.
Dòng hướng phê bình phân tâm học đã phân loại một cách tương đối rằng, có kiểu nghệ sĩ mà bản năng chết (thanatos) mạnh hơn bản năng sống (eros), và ngược lại có kiểu nghệ sĩ mà bản năng sống vượt trội bản năng chết. Mọi giác quan của kiểu nghệ sĩ thứ nhất chịu lực hút chủ đạo không phải từ sự sinh trưởng - khỏe khoắn - ấm áp - tươi vui, mà là từ những gì tàn lụi - héo úa - mòn mỏi - u sầu - lạnh lẽo.
Chúng ta hoàn toàn có thể nói ngược lại về trường hợp Bùi Thu Hằng. Bởi chị, đặc biệt là ở tập thơ “Hoa tặng mình”, dẫu có thế nào đi chăng nữa, vẫn rạo rực một nỗi thèm yêu khát sống, vẫn nỗ lực thiên đường hóa bể khổ: “Giơ tay ngỡ chạm thiên đường/ Mặt trời, môi ấm yêu thương rất gần/ Thung xanh suối tóc hồi xuân/ Dẫu găm vết sẹo ngực trần phong ba” (“Đến Khe Sanh”); “Anh còn giông bão trăm điều/ Em còn chết bởi lời yêu thật thà/ Trái tim lành sẹo phong ba/ Có qua cười khóc mới tha thiết tình” (“Tờ lịch cuối”)...
Thơ trong “Hoa tặng mình” là sự rung ngân bộn bề của một trái tim đa đoan, đa mang, đa sự. Vì xác tín tình yêu là phạm trù muôn thuở bất di dịch, nên chủ thể thơ xác quyết cứ thực hành thơ theo sự thôi thúc mách lối hồn nhiên của nhịp tim nội tại. Đi qua những giông bão cuộc người, “con mắt trong veo nhìn chiếc lá cứ xanh”, trái tim vẫn trắc ẩn run rẩy những nhịp thiện lành: “Cành gai nghèn nghẹn sắc hồng/ Nở như nín nhịn bế bồng mà thương/ Rưng rưng nhụy ứa lên hương/ Cứ thơm vụng dại con đường đa đoan/ Cánh mong manh vịn thời gian/ Hàm ơn đất mẹ chứa chan hoa này” (“Hoa tặng mình”), “Người khôn cầu gặp vận may/ Tôi khờ dại ước tháng ngày bình an/ Người cầu đỏ trái thời gian/ Tôi mơ hạt rụng mùa màng văn chương” (“Xôn xao hội quê”).
Trời chẳng phụ lòng người. Một khi Bùi Thu Hằng cứ vô vi an nhiên thật thà với đời và cứ đắm đuối tận tụy tha thiết với thơ giữa suối nguồn nhân văn như thế, thì những hạt vàng của mùa màng văn chương nhất định sẽ sớm kết tụ. Hoa thơ những mùa đầu mà chị lặng lẽ chiu chắt tặng mình là cơ sở để tôi tin điều này.