Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường trợ giúp người lao động

Đời sống - Ngày đăng : 07:17, 29/10/2021

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh trở lại trạng thái "bình thường mới" với việc nối lại nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng nhân lực gia tăng, mang lại cơ hội việc làm cho người lao động. Cùng với hỗ trợ người dân quay lại làm việc, các cấp, ngành của thành phố đang tăng cường các giải pháp trợ giúp người lao động ổn định cuộc sống để gắn bó lâu dài với công việc.

Các công nhân may tại thành phố Hồ Chí Minh đã quay trở lại làm việc.

Nhiều việc đang chờ người làm

Hiện đã có hơn 90% nhà máy tại Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) hoạt động trở lại. Chị Trần Thị Thanh (quê tỉnh Vĩnh Long), là công nhân làm việc 12 năm tại Công ty TNHH May đan GoodTop chuyên sản xuất giày trong Khu công nghiệp Tân Tạo, chia sẻ: "Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, công ty tạm dừng hoạt động, tôi đã về quê. Nhưng mới đây, tôi đã được gọi đi làm trở lại".

Trong khi đó, tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Phước Nguyên thông báo tuyển nhân viên kỹ thuật chỉnh máy ép nhựa, kỹ thuật khuôn, bảo trì điện và máy… với mức lương 9-11 triệu đồng/tháng và nhiều chính sách hỗ trợ khác; Công ty TNHH Schneider thông báo tuyển 200 công nhân làm việc tại các vị trí nhân viên bảo trì, nhân viên chất lượng sản phẩm…

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt dịch thứ tư vừa qua, toàn thành phố có hơn 2 triệu người lao động bị ngừng việc, giảm việc làm. Tính đến ngày 20-10, đã có trên 60% doanh nghiệp toàn thành phố (trong đó ở các khu công nghiệp là 91%) bắt đầu khôi phục sản xuất, kinh doanh, nên nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao.

Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Minh Sự thông tin thêm: "Nhu cầu tuyển lao động sẽ tập trung vào tháng 11 và 12-2021. Dự kiến trong quý IV-2021, các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng khoảng 57.000 lao động thuộc nhiều ngành nghề. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đây là cơ hội tốt để người lao động tìm được việc làm ưng ý".

Đa dạng các giải pháp hỗ trợ

Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp, cả trước mắt và lâu dài, hỗ trợ người lao động. Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Quang Cường, từ nay đến hết tháng 11-2021, trung tâm triển khai gói hỗ trợ 3 trong 1. Cụ thể, ngoài việc được test Covid-19 nhanh miễn phí và giới thiệu việc làm miễn phí, người lao động khó khăn về chỗ ở sẽ được giới thiệu đến các nhà trọ trên địa bàn thành phố ở miễn phí ít nhất tháng đầu tiên. Đến nay, trung tâm đã kết nối 70 phòng trọ miễn phí và có trên 175 phòng trọ giảm giá 50% cho người lao động.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho biết, các sở, ngành, địa phương của thành phố đã tích cực phối hợp để triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động. Các điểm tiêm di động đến từng khu trọ, từng nhà máy, công xưởng, doanh nghiệp để tiêm mũi 1 hoặc mũi 2 cho những người chưa được tiêm, hay tiêm chưa đủ mũi. Ngoài ra, gần 400 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại thành phố sẽ liên tục mở các lớp sơ cấp nghề để hỗ trợ người lao động mong muốn chuyển đổi nghề.

Ở góc độ địa phương, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên thông tin: "Để trợ giúp 500 doanh nghiệp trên địa bàn vừa hoạt động trở lại, các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19 nhiều nhất có thể cho người lao động. Cùng với đó, địa phương tăng cường trợ giúp doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm định kỳ; phối hợp tổ chức lo chỗ ăn nghỉ lâu dài cho công nhân, người lao động để họ yên tâm làm việc".

Về vấn đề nhà ở, theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 99.000 căn hộ cho thuê với hơn 723.000 phòng, số người thuê gần 1,7 triệu người (trong đó có 886.000 công nhân), nhưng phần lớn là nhà do tư nhân xây dựng, diện tích nhỏ hẹp, tiện ích hầu như không có. UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu là xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội giá rẻ dành cho người lao động mua trả góp.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết cho hay, hiện công nhân chỉ có thể dành 15-20% thu nhập hằng tháng, tương đương 1,5-2 triệu đồng chi trả cho nhà ở. Việc này khiến thời gian chi trả khi mua nhà của công nhân kéo dài, nhà đầu tư chậm thu hồi vốn nên chưa mặn mà với phân khúc nhà ở xã hội. “Vì vậy, ngoài hỗ trợ người mua dễ vay vốn từ ngân hàng chính sách với lãi suất 4,8%/năm, thành phố sẽ có phương án hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp”, ông Huỳnh Thanh Khiết thông tin.

Thanh Tàu