Iran đồng ý nối lại các cuộc đàm phán: Cơ hội ''hồi sinh'' thỏa thuận hạt nhân
Thế giới - Ngày đăng : 06:55, 30/10/2021
Theo CNBC, trong chuyến thăm tới Brussels (Bỉ), Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani cho biết, đã có tiến triển trong các cuộc đàm phán với Đặc phái viên EU phụ trách đàm phán giữa Tehran và các nước trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Trên Twitter cá nhân hôm 27-10, nhà ngoại giao Ali Bagheri Kani cũng đã đăng tải thông tin: “Chúng tôi đồng ý bắt đầu đàm phán trước cuối tháng 11. Ngày chính xác sẽ được công bố trong tuần tới”.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây liên tục gia tăng khi Tehran tăng cường các hoạt động làm giàu uranium lên gần cấp độ vũ khí. Chính phủ Iran khẳng định, các diễn biến này là vì mục đích hòa bình. Tuy nhiên Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nhận định: "Trong vòng vài tháng nữa, Iran sẽ có đủ nguyên liệu để chế tạo bom hạt nhân".
Thỏa thuận hạt nhân được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết giữa Iran với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức vào năm 2015. Theo thỏa thuận này, Iran chấp thuận hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Tuy nhiên, JCPOA đã đổ vỡ vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt khiến nền kinh tế của Iran tê liệt. Ông Donald Trump đã thực hiện chiến lược "gây áp lực tối đa" chống lại Iran, cố gắng ép nước này đàm phán một phiên bản nghiêm ngặt hơn so với thỏa thuận năm 2015 thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt.
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, ông sẵn sàng quay trở lại JCPOA, miễn là Iran cũng trở lại tuân thủ đầy đủ bằng cách đẩy lùi các hoạt động hạt nhân mà nước này đã thực hiện để đáp trả các lệnh trừng phạt của người tiền nhiệm Donald Trump.
Iran đã tổ chức 6 vòng đàm phán gián tiếp tại Vienna (Áo) với chính quyền của Tổng thống Joe Biden về việc quay trở lại thỏa thuận năm 2015, nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ vào tháng 6 vừa qua khi ông Ebrahim Raisi - người theo đường lối cứng rắn và chống phương Tây chính thức trở thành Tổng thống mới của Iran.
Iran dù tuyên bố họ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán nhưng lại không đưa ra mốc thời gian cụ thể nào. Bên cạnh đó, Tehran đã dần dần không thực hiện các giới hạn do hiệp định áp đặt, bao gồm cả việc làm giàu uranium, tinh chế nó để có độ tinh khiết cao hơn và lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến.
Việc Iran giảm dần các cam kết tuân thủ JCPOA khiến cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh rằng, thời gian không còn nhiều để khôi phục thỏa thuận. Trong bối cảnh này, EU và các cường quốc đã phải vật lộn để vực dậy các cuộc đàm phán đang bị trì hoãn nhằm “hồi sinh” JCPOA.
Trong khi Washington tỏ ra thận trọng trước thông báo của Tehran thì nhiều nhà phân tích tin rằng, Iran vẫn ủng hộ việc quay trở lại JCPOA vì nước này đang rất cần được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt và điều đó sẽ không thể đạt được nếu không có sự chấp thuận của Mỹ. Vì vậy, việc Iran chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán là cử chỉ đầy thiện chí, mở ra một mối quan hệ tốt đẹp trong tương lai.