Kiến nghị xem xét áp dụng cơ chế tăng trưởng tín dụng linh hoạt
Tài chính - Ngày đăng : 16:31, 30/10/2021
Đây là số liệu tổng hợp từ 12 công ty tài chính thành viên của Hiệp hội Ngân hàng. Tổng vốn điều lệ của 12 công ty này đạt gần 22.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% tổng vốn điều lệ của khối các công ty tài chính. Trong đó, FE Credit (Công ty tài chính Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng - VPBank) là công ty có vốn điều lệ lớn nhất, với hơn 10.900 tỷ đồng.
Ngoài ra, đến cuối tháng 9-2021, tổng tài sản của 12 công ty tài chính trên tăng nhẹ khoảng 2% so với đầu năm, lên 151.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với đầu năm.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, đối tượng khách hàng chính của các công ty tài chính là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương, khó tiếp cận vốn từ ngân hàng thương mại. Đây cũng chính là nhóm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trực tiếp và nặng nề nhất. Tỷ lệ nợ xấu bình quân của các công ty tài chính theo đó tăng mạnh lên 9-10%, trong khi đầu năm 2021 ở mức 6%. Dự kiến, tỷ lệ này tiếp tục tăng đến cuối năm nay.
Lý giải cho nguy cơ nợ xấu từ vay tiêu dùng tăng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, nhiều khách hàng là F1, F0 hoặc trong khu vực giãn cách xã hội không giao tiếp được với các công ty tài chính để làm thủ tục thu phí, thu nợ, xử lý nợ.
Đa phần các điểm giới thiệu dịch vụ tài chính cũng đều phải duy trì số lượng tối thiểu cán bộ, nhân viên (làm việc luân phiên hoặc “3 tại chỗ”), hoặc tạm thời đóng cửa. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng để giới thiệu sản phẩm cũng như thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu...
Đại diện Công ty cổ phần SHB Finance cho biết, dù được cơ cấu nợ, giảm trích lập dự phòng, nợ xấu chưa thể hiện trên báo cáo tài chính, nhưng thực chất, khoản nợ xấu của khách hàng vẫn tiềm ẩn. Trong khi nợ cũ chưa thu hồi được vì dịch, công ty tài chính này lại không thể cho vay mới do đã chạm trần tín dụng 12% do Ngân hàng Nhà nước đặt ra, do đó, khó khăn lại thêm khó khăn.
Vì vậy, đại diện các công ty tài chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng cơ chế tăng trưởng tín dụng linh hoạt, không áp trần tăng trưởng tín dụng (hoặc nới lỏng room tín dụng) với các công ty tài chính trong giai đoạn hồi phục kinh tế sau khi đã kiểm soát được dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các công ty này cũng kiến nghị có cơ chế hỗ trợ vốn cho khối tài chính tiêu dùng để có thể giảm thêm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Đại diện các công ty cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước gỡ vướng các quy định để đưa ra giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng và cho các công ty tài chính tiêu dùng, cũng như có hướng dẫn đối với giao dịch trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, khách hàng thuộc diện F0, F1.