Bám sát thực tiễn

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 31/10/2021

(HNM) - Thời gian gần đây, khán giả Việt Nam liên tục được thưởng thức những bộ phim tài liệu về những vấn đề thời sự được phản ánh một cách khách quan, chân thực, bám sát hơi thở cuộc sống. Với hàng loạt đề tài nóng hổi, cách thể hiện mới, sinh động, hấp dẫn, nhiều bộ phim được công chiếu đã thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, làm thay đổi quan điểm, cách nhìn của khán giả về phim tài liệu Việt Nam.

Có thể kể đến hàng loạt bộ phim tài liệu được trình chiếu gần đây như: “Ranh giới”, “Ngày con chào đời” do Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện; “Cuộc chiến không giới hạn” do Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương thực hiện, hay các bộ phim tài liệu về đề tài bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, an sinh xã hội, nông thôn mới… Hầu hết các bộ phim khi trình chiếu đã tạo sức lan tỏa lớn trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, những bộ phim tài liệu về các vấn đề thời sự chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả chưa nhiều. Lý do, nhiều phim quá nặng về tuyên truyền, cổ động, thiếu những lát cắt của cuộc sống; nội dung đề cập không mới… Nguyên nhân sâu xa hơn còn là công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức, kinh phí dành cho sản xuất phim tài liệu gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, phim tài liệu thường bị lấn át bởi các loại hình thông tin khác và mạng xã hội...

Vậy, làm thế nào để có những bộ phim tài liệu nói chung và phim tài liệu về các vấn đề thời sự nói riêng hay, hấp dẫn, được khán giả đón nhận rộng rãi hơn?

Trước hết, để có một bộ phim tài liệu hay, giá trị cao, nhận được sự đồng cảm, thu hút khán giả, cần đề cập đến những vấn đề dư luận quan tâm, cùng với cách thể hiện sinh động, hấp dẫn. Bộ phim ngoài giá trị tư liệu thì phải chứa đựng những thông điệp sâu sắc có sức gợi, sức nghĩ từ nhân vật, sự kiện, hình ảnh. Điều này đòi hỏi các nhà làm phim, đạo diễn phim tài liệu phải bám sát thực tiễn đời sống, có góc nhìn đa chiều, lựa chọn phương thức thể hiện phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả.

Theo đó, các đơn vị sản xuất phim, hãng phim cần chọn lọc kỹ đề tài, đầu tư kinh phí, phương tiện để xây dựng được kịch bản tốt cũng như bảo đảm điều kiện để ghi được những cảnh quay đặc sắc, chân thực. Đặc biệt, muốn tạo bước tiến mạnh hơn cho phim tài liệu về các vấn đề thời sự, bên cạnh sự nhiệt huyết với nghề, các nhà làm phim cũng cần mạnh dạn dấn thân, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thách thức, thậm chí hy sinh sức khỏe, tính mạng của bản thân. Bởi thực tế, nhiều phim tài liệu được đánh giá cao gần đây đều có dấu ấn về sự sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy của những người làm phim. 

Đồng thời, người làm phim tài liệu cần không ngừng học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt kịp thời xu hướng làm phim mới, từ đó áp dụng vào thực tiễn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, nền tảng số để tạo nên thành công và lan tỏa tác phẩm đến với đông đảo công chúng.

Bên cạnh sự nỗ lực của các nhà làm phim, các cấp, ngành, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các đơn vị sản xuất, hãng phim hoàn thành sứ mệnh của mình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm phim tài liệu.

Với sự nỗ lực, dấn thân những của những nhà làm phim, đạo diễn, các đơn vị sản xuất, hãng phim tài liệu, chắc chắn dòng phim tài liệu về vấn đề thời sự, bám sát thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước sẽ ngày càng có chỗ đứng trong lòng khán giả.

Hoàng Hà