Trách nhiệm nặng nề của những người kế tục
Văn hóa - Ngày đăng : 05:08, 31/10/2021
Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội:
Phải xử lý từ “gốc” cả cung và cầu
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, không chỉ kịch nói mà các loại hình nghệ thuật và giải trí khác trên toàn thế giới đều gặp rất nhiều khó khăn. Việc tìm lối đi và cách ứng phó trong tình hình dịch bệnh là thử thách vô cùng lớn... Đứng trước thử thách đó, Nhà hát Kịch Hà Nội đã có những bước chuyển mình để khắc phục và thay đổi hiện trạng. Định hướng của nhà hát trong hiện tại và tương lai là trở thành một nhà hát đa năng lấy kịch nói làm trung tâm. Không chỉ kiên định với sở trường là các tác phẩm chính kịch, nhà hát còn mở rộng và phát triển những chủ đề mới, thể loại mới để tiếp cận khán giả nhanh hơn, phù hợp hơn.
Việc sân khấu thiếu vắng khán giả, tôi nghĩ đó là sự thiếu hụt từ “gốc”: Từ “gốc” của nguồn “cung”, từ “gốc” của nguồn “cầu”. Trên thực tế, hai nguồn nhân lực “cung” và “cầu” có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi nguồn “cầu” là khán giả trẻ quay lưng lại với nghệ thuật sân khấu, đó là do họ thiếu sự tìm hiểu, thiếu hứng thú. Và căn nguyên của sự thiếu hiểu biết, kém hứng thú đó một phần lớn xuất phát từ sự giáo dục. Những giá trị nghệ thuật truyền thống cần được đưa vào giảng dạy trong trường lớp ngay từ khi còn nhỏ. Bởi khi được tiếp xúc, định hướng và đào tạo từ nhỏ, được sống, học tập trong môi trường có tính nghệ thuật, năng khiếu nghệ thuật và khả năng, trình độ cảm thụ nghệ thuật của thế hệ khán giả tương lai sẽ được nâng cao theo thời gian. Đây là lượng khán giả tiềm năng trong hiện tại và tương lai của chính các nhà hát.
Tuy vậy, có một thực tế cần phải nhìn nhận thắng thắn, đó là nguồn “cung” vẫn chưa đủ sức hấp dẫn, chưa đủ sức mạnh để kéo khán giả đến với sân khấu. Sự thiếu hụt nhân sự từ khâu kịch bản, âm nhạc, đạo diễn... đều là vấn đề bức thiết hiện nay. Việc đưa nghệ thuật vào chương trình giáo dục chính khóa ở các cấp học giúp ích rất lớn cho công tác tạo nguồn nhân sự cho lĩnh vực nghệ thuật. Tôi tin tưởng rằng, việc đầu tư cho con người là cách đầu tư không bao giờ lo lỗ. Chính thế hệ trẻ là giải pháp và là hướng đầu tư đúng đắn, dài hơi cho nghệ thuật sân khấu nói chung.
Nghệ sĩ Ưu tú Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ:
Liên tục đào tạo để hoàn thiện
So với 100 năm tuổi đời của kịch nói Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ 43 tuổi, thuộc loại "sinh sau đẻ muộn", nhưng đến nay cũng đã đạt tới một bề dày nhất định. Nhà hát đã nỗ lực gắn mình vào những sự kiện lớn của đất nước, đã làm tốt công tác phục vụ công chúng của nhiều thế hệ, nhiều ngành nghề, nhiều vùng miền... Rất nhiều sản phẩm nghệ thuật đã được dàn dựng thành công, trở thành ký ức đẹp của công chúng yêu kịch nói. Đó là những vở diễn đề tài hiện đại như “Đứa con tôi”, “Lời thề thứ chín”; những vở diễn thể hiện sự tìm tòi về cấu trúc phân mảnh, thủ pháp đồng hiện như “Đỉnh cao mơ ước”... Các vở kịch dành cho học sinh, sinh viên và thanh niên nói chung đã trở thành hiện tượng sân khấu ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội: “Tin ở hoa hồng”, “Đứa con tôi”, “Vườn quỳnh”, “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”... Các vở diễn này đã được biểu diễn hàng trăm buổi, phục vụ hàng vạn lượt người xem.
Cùng lúc với đề tài hiện đại nóng hổi, nhà hát cũng có những vở về đề tài cổ tích hoặc lịch sử như “Tấm Cám”, “Lời nói dối cuối cùng”, “Vũ Như Tô”, “Rừng trúc”... và dàn dựng hàng loạt vở diễn kinh điển của thế giới. Nhà hát Tuổi Trẻ với những tên tuổi như Hà Nhân, Phạm Thị Thành, Thùy Chi, Lê Hùng, Đức Trung, Lê Khanh, Chí Trung, Lan Hương, Minh Hằng, Anh Tú, Ngọc Huyền... không chỉ làm tròn sứ mệnh của mình mà còn tiếp tục là cầu nối để xây dựng những tên tuổi mới tiếp tục sứ mệnh sân khấu vì tuổi trẻ như Đức Khuê, Thu Quỳnh, Nguyệt Hằng, Thanh Sơn, Thu Trang...
Các hoạt động sân khấu dành cho khán giả trẻ hiện nay đòi hỏi rất cao về quy mô cũng như chất lượng. Nhà hát luôn đề cao yếu tố con người, liên tục đào tạo để hoàn thiện hơn về mặt kỹ thuật, kỹ năng và cách tiếp cận với khán giả ở một trình độ cao. Nhà hát Tuổi Trẻ cũng như những nhà hát khác trong cả nước đang nỗ lực bảo tồn và duy trì sân khấu kịch kinh điển, đồng thời tiếp nhận, phối hợp và quy nạp những phương pháp, thủ pháp hiện đại. Trên sân khấu đã xuất hiện những yếu tố của tạp kỹ, của nghệ thuật video, đưa kịch nói tiếp cận điện ảnh, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, những trò chơi, ca vũ dân gian... Đây không chỉ là nỗ lực để duy trì sự tồn tại cho kịch nói, mà còn là những thể nghiệm và thực nghiệm, góp phần đẩy kịch nói lên một tầm cao mới, trở thành nhân tố không thể thiếu của nghệ thuật đương đại.
Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ, Phó Trưởng phòng Nghệ thuật - Cục Nghệ thuật Biểu diễn:
Nâng cao tính chuyên nghiệp ở tất cả các khâu
Để xây dựng những vở diễn chất lượng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân thì cần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp ở tất cả các khâu, các thành phần sáng tạo. Cần có các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ ở tất cả các thành tố tạo nên tác phẩm. Nên chăng, cần mở những lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, âm thanh, ánh sáng đang hoạt động tại các đơn vị.
Trong tình hình thực tiễn hiện nay, theo tôi, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nên là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành mở những lớp bồi dưỡng ngắn hạn, cho các tác giả đi thực tế ở các địa phương, các ngành có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Sau những chuyến thâm nhập cuộc sống, các tác giả sẽ viết bản thu hoạch là những đề cương kịch bản sân khấu. Từ đó mới mở trại sáng tác. Trong trại sáng tác nên có những buổi tọa đàm nhằm nâng cao kỹ năng sáng tác với thành phần gồm những nhà viết kịch lâu năm có nhiều tác phẩm chất lượng, những chuyên gia sân khấu trong và ngoài nước, những đạo diễn, họa sĩ đang hoạt động có hiệu quả ở các đơn vị. Như vậy thì ngay từ khâu đầu tiên, kịch bản sân khấu đã có được sự đồng thuận giữa tác giả và đạo diễn, tránh sự mâu thuẫn giữa tác giả và đạo diễn khi xây dựng tác phẩm.
Trong hoạt động thực tế, có nhiều tác giả sau khi kịch bản bắt đầu được dàn dựng thì coi như đã hoàn thành trách nhiệm, phó mặc để đạo diễn muốn chỉnh sửa, thêm bớt thế nào cũng được, không cần biết vở kịch có còn theo đúng nguyên tác hay không, nhiều lúc dẫn đến tình trạng tác phẩm được ra đời có chất lượng không cao. Vẫn biết rằng kinh phí đôi khi là yếu tố quyết định để tổ chức một công việc nào đó, nhưng chúng ta nên chú trọng tới chất lượng hơn là về số lượng. Làm sao đó để sau khi kết thúc trại sáng tác thì chúng ta có được những kịch bản chất lượng. Tôi xin đề xuất: Thời gian mở trại cần lâu hơn, có nhiều nội dung bồi dưỡng, trao đổi hơn. Thông qua tác phẩm của người tham gia trại sáng tác, chúng ta đánh giá được trình độ của các tác giả có được nâng cao hay không.