Nghệ sĩ ưu tú Đức Liên: Ngoài năng khiếu còn cần sự say mê và khổ luyện không ngừng
Văn hóa - Ngày đăng : 05:14, 31/10/2021
1. Nếu có cuộc bình chọn nghệ sĩ sáo trúc nào sở hữu kênh YouTube có nhiều lượt đăng ký, lượt xem và tương tác thì chắc chắn trong số đó không thể thiếu NSƯT Đức Liên. Dù mới lập từ năm 2016 nhưng kênh YouTube của ông hiện đã có gần một nghìn video là các bài ông thổi cũng như hướng dẫn người xem có thể tiếp cận gần hơn với bộ môn sáo.
Video mà ông đưa lên rất đa dạng, có thể là những ca khúc, những bài dân ca các vùng miền, cũng có những bài hát nước ngoài mà ông đã dùng cây sáo trúc Việt để thổi hồn vào một cách điêu luyện. Người xem kênh của ông cũng đủ mọi thành phần, lứa tuổi, người già có, người trẻ có, nông dân có, thị dân có. Đó như một xã hội thu nhỏ của những người đam mê sáo trúc và muốn làm điều gì đó cho nhạc cụ này. Không khó để bắt gặp những lời tán dương, ca ngợi, thậm chí có những người còn để lại bình luận rằng chính tiếng sáo ấy đã làm thay đổi cuộc sống của họ, làm họ suy nghĩ tích cực hơn, yêu đời hơn. Với NSƯT Đức Liên, đó là một thành công rất lớn.
Tôi cứ nghĩ để sản xuất được nhiều video như thế, ông phải có phòng thu với hệ thống âm thanh, thiết bị hiện đại. Song thật bất ngờ khi gặp ông tại nhà riêng ở khu tập thể Phương Mai (Hà Nội), NSƯT Đức Liên cho biết ông sản xuất video để “nuôi” kênh YouTube chỉ bằng chiếc điện thoại Smartphone hạng xoàng. Thế nhưng, mỗi video đưa lên đều được ông chăm chút về kỹ thuật, cách nhả hơi, luyến láy để nó phải là sản phẩm nghệ thuật chất lượng, để mọi người có cảm giác như đang được ngồi xem trực tiếp trong một khán phòng nào đó.
“Người nghệ sĩ phải biết tận dụng sự ưu việt của công nghệ vào việc quảng bá nghệ thuật. Với tôi, mấy năm gần đây, kênh YouTube như một người bạn tâm giao, nơi tôi có thể sẻ chia, trao đổi kinh nghiệm cũng như giao lưu với những người yêu sáo”, nghệ sĩ Đức Liên trải lòng.
2. Giản dị, chân thành, cởi mở, nghệ sĩ Đức Liên cho biết, ông sinh ra ở vùng đất cách mạng Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) - nơi bạt ngàn rừng trúc. Ngày bé, ông đã bị mê mẩn bởi tiếng sáo của những người ngồi thuyền lướt trên dòng sông Gâm giữa không gian núi rừng, sông nước mênh mông. Say mê, mày mò tìm hiểu, ông đã bắt chước được những bài sáo đơn giản ấy và đặc biệt là học được rất nhiều qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Vốn là người yêu văn nghệ và có tư tưởng tiến bộ nên vào dịp hè khi Đức Liên mới 10 tuổi, cha của ông đã lặn lội về Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) gặp NSƯT Đinh Thìn để xin thầy nhận con trai mình làm học trò. Và cứ thế trong khoảng thời gian ngắn ngủi vài tháng hè, Đức Liên đã được tiếp thêm tình yêu, sự đam mê và tràn đầy niềm tin tưởng vào con đường nghệ thuật phía trước.
Đức Liên đến với nghệ thuật chuyên nghiệp khi ông ở trong môi trường quân ngũ. Suốt 15 năm (1975 - 1990), từ một cán bộ tuyên truyền văn hóa văn nghệ tại Sư đoàn 304B Quân khu Tây Bắc, ông trở thành Đội trưởng Đội nhạc, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 với quân hàm Thượng úy. Thời kỳ ấy nhạc sĩ Phú Quang thường lên giao lưu với Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 và đã sáng tác bài hát “Những ký họa Tây Bắc”. Đây chính là bài hát đem lại thành công đầu tiên cho Đức Liên khi ông biểu diễn và giành 2 Huy chương Vàng đầu tiên trong 2 Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ "quả ngọt đầu mùa" đó, ông đã mạnh dạn tham gia các hội diễn chuyên nghiệp và trở thành một tên tuổi trong bộ môn sáo trúc từ lúc nào không hay.
Nghệ sĩ Đức Liên sau đó đã lọt vào “mắt xanh” của lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và ông bắt đầu chuyển về làm việc tại đây từ năm 1990. Ông đã đem hết tài năng của mình cùng các nghệ sĩ của nhà hát đi phục vụ biểu diễn khắp mọi miền đất nước. Đến mỗi vùng đất, đặc biệt là các bản làng vùng sâu, vùng xa, ông luôn cố gắng sưu tầm các loại sáo của địa phương để rồi bằng chuyên môn nghiệp vụ của mình, ông đã cải biến, nâng cao, chỉnh lý về cao độ, âm thanh, phương pháp diễn tấu và đưa vào sử dụng cho nghệ thuật chuyên nghiệp. Thành quả cho đến ngày hôm nay là ông đã sưu tầm được hơn 100 loại sáo của hơn 30 dân tộc khác nhau.
Đài Tiếng nói Việt Nam chính là “người thầy” đầu tiên đưa Đức Liên đến với sáo trúc nên khi thành danh ông đã có nhiều hoạt động để truyền tình yêu với cây sáo trúc cho bạn nghe đài trên sóng phát thanh quốc gia, để những người yêu sáo trúc ở các vùng quê hẻo lánh được tiếp cận dễ dàng hơn. Ông đã sáng tác và thu thanh nhiều tác phẩm như “Bình minh quê hương”, “Gặp em đêm hội mùa” (độc tấu sáo trúc); “Mùa trăng” (độc tấu sáo Mông), “Trăng núi” (song tấu sáo Mông), “Hội xuân Tây Bắc” (hòa tấu sáo). Ngoài ra, ông đã giới thiệu trên sóng tiếng sáo của các dân tộc thiểu số rất ít có cơ hội được quảng bá ra bên ngoài, như Khơ Mú, Pà Thẻn, Lô Lô...
3. Là nghệ sĩ chuyên ngành biểu diễn và sáng tác nhưng nghệ sĩ Đức Liên còn cộng tác với các trường nghệ thuật để đào tạo thế hệ nghệ sĩ sáo trúc tương lai. Nhiều sinh viên của ông đã trở thành những nghệ sĩ tài năng, đóng góp đáng kể cho sáo trúc nước nhà như NSƯT Thanh Hương (Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội), NSƯT Xuân Chung, NSƯT Văn Ngư (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam)... Ngoài ra, ông còn tham gia đào tạo, tập huấn, dàn dựng cho nhiều nghệ sĩ sáo trúc của các đoàn nghệ thuật trên cả nước, giúp họ giành được nhiều huy chương trong các hội diễn chuyên nghiệp.
Theo nghệ sĩ Đức Liên, muốn trở thành nghệ sĩ sáo trúc thì ngoài năng khiếu mỗi người phải có niềm say mê, sự khổ luyện không ngừng. “Năng khiếu cả về âm nhạc và cả năng khiếu thổi sáo nữa. Nhiều học viên có năng khiếu về âm nhạc nhưng lại hơi vất vả khi thể hiện nó trên sáo trúc hơn so các học viên khác. Trong quá trình dạy học, tôi luôn nhắc các em phải: Khổ luyện, khổ luyện và khổ luyện” - nghệ sĩ Đức Liên bộc bạch.
Những năm gần đây, khi đã về hưu theo chế độ nhưng ngày ngày nghệ sĩ Đức Liên vẫn tham gia bồi dưỡng kiến thức tại nhà cho những thí sinh chuẩn bị thi vào các trường nghệ thuật cũng như những người theo học nghiệp dư. Với ông, cứ có học sinh đến học là có thêm niềm vui, vì khi ấy ông biết rằng ở đâu đó vẫn có những người rất đam mê, nhiệt huyết với cây sáo trúc. Trong tâm tưởng, ông rất muốn âm nhạc dân tộc nói chung và sáo trúc nói riêng trở thành môn học trong hệ thống giáo dục phổ thông. Và có thể thấy ông vẫn còn nhiều lắm những dự định, tâm huyết với cây sáo trúc nước nhà.
Nghệ sĩ ưu tú Đức Liên (tên đầy đủ là Đỗ Đức Liên) sinh năm 1956 tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Ông từng giữ chức Trưởng đoàn Nghệ thuật Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Trưởng ban Quản lý Trung tâm Đào tạo thực hành kỹ năng nghệ thuật biểu diễn (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).
Ông được phong danh hiệu NSƯT năm 2001. Ông đã giành được một số giải thưởng trong vai trò nhạc công solo như giải Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc vào các năm 2005, 2009... Trong vai trò chỉ huy dàn dựng, ông đã giành được Huy chương Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc vào các năm 2009, 2012...