Công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Giao thông - Ngày đăng : 17:55, 01/11/2021

(HNMO) - Tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354km. Đó là thông tin tại lễ công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 1-11.

Công bố quy hoạch đường sắt.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19-10-2021 là căn cứ, định hướng để Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tổ chức xây dựng các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đường sắt.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40% (trong đó, đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%)…

Về kết cấu hạ tầng, sẽ nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440km; quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362km. Trong đó, triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - thành phố Hồ Chí Minh), ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, đặc biệt ở khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.

Tàu đường sắt chở hàng.

Tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354km. Trong đó, sẽ hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.

Phát biểu tại lễ công bố, đề cập dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, công trình sẽ được đầu tư theo hướng phục vụ riêng cho hành khách. Hàng hóa trên trục Bắc - Nam sẽ được vận chuyển bằng tàu biển và tận dụng tuyến đường sắt cũ. Bộ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ và cố gắng trong nhiệm kỳ này báo cáo dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tới Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Sắp tới, Bộ sẽ tập trung lập dự án, giải phóng mặt bằng và thiết kế một số đoạn của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để đến năm 2028-2029 có thể khởi công một số gói thầu.

Lương Ninh Giang