Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại, tiếp lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu
Đối ngoại - Ngày đăng : 21:21, 01/11/2021
Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam dự Hội nghị COP26 lần này một lần nữa khẳng định cam kết giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0 vào năm 2050; đồng thời kêu gọi công bằng, công lý cho vấn đề biến đổi khí hậu.
Thủ tướng cho biết, là một trong những quốc gia bị tác động nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn nỗ lực cố gắng làm hết sức mình để phát triển xanh, ứng phó biến đổi khí hậu một cách bền vững và ổn định lâu dài. Thời gian trước đây, khi công nghệ năng lượng sạch chưa phát triển, Việt Nam phải phát triển điện than để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh một nước đang phát triển. Do đó, trong quá trình chuyển đổi nguồn năng lượng, phát triển xanh, Việt Nam cần các nước phát triển chia sẻ với những khó khăn khách quan mà Việt Nam gặp phải, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị quốc gia về phát triển bền vững, ưu đãi về tài chính xanh, hỗ trợ về công nghệ xanh...
* Tại cuộc đối thoại với Ngân hàng Standard Chartered và tiếp Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về những khó khăn do tác động của dịch Covid-19; khẳng định Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh hiệu quả và thành công, bền vững, lâu dài tại Việt Nam, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao các hoạt động và ý tưởng hợp tác của ngân hàng tại Việt Nam; đề nghị ngân hàng tiếp tục phát huy truyền thống kinh doanh lâu dài tại Việt Nam; khẳng định xu thế phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà ngân hàng theo đuổi là phù hợp xu thế chung cũng như chính sách của Việt Nam.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh thông điệp phải bảo đảm công bằng và công lý trong phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã trải qua thời gian dài chiến tranh, xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên việc tiếp cận tăng trưởng xanh chậm hơn so với nhiều quốc gia khác, mặt khác, nền công nghiệp cũng phát triển chậm hơn và phát thải ít hơn so với các nước phát triển.
* Thông tin với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) và Chủ tịch Tập đoàn kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng điện gió Orsted cho biết, đã nghiên cứu kỹ và khẳng định Việt Nam có tiềm năng rất lớn, cơ hội, lợi thế cạnh tranh cao cho phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió.
Không những thế, Việt Nam có cơ chế, môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn nhân lực có chất lượng, con người năng động, sáng tạo và thân thiện; hệ thống logistics phát triển... Do đó, thời gian qua, các doanh nghiệp này đã đầu tư hàng tỷ USD vào xây dựng các dự án điện gió tại Việt Nam.
Đại diện các tập đoàn cũng bày tỏ tin tưởng và mong muốn tiếp tục đầu tư lâu dài ở Việt Nam và mở rộng đầu tư thêm sang một số lĩnh vực liên quan như phát triển mạng lưới truyền tải điện, phân phối điện... Đề nghị Chính phủ Việt Nam chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết nhanh các thủ tục để các dự án sớm được triển khai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn, đánh giá cao các tập đoàn, doanh nghiệp đã nghiên cứu về tiềm năng cơ hội, lợi thế cạnh tranh phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió tại Việt Nam.
Phân tích, đánh giá của các doanh nghiệp phù hợp với các nhà nghiên cứu mà các nhà tư vấn quốc tế đã nghiên cứu. Đặc biệt, phù hợp với chủ trương chuyển đổi sử dụng năng lượng và quá trình giảm thải khí carbon của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế sát thực tế, phù hợp tình hình để thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.
Hiện nay, Việt Nam đang tổ chức đào tạo nguồn nhân lực bài bản, có hệ thống để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng quá trình chuyển đổi năng lượng đạt hiệu quả, bền vững lâu dài. Việt Nam xác định lựa chọn công nghệ hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh đất nước hiện tại. Xây dựng chính sách phù hợp, huy động nguồn lực tài chính, trong đó có hợp tác công - tư để có nguồn tài chính đầu tư cho chuyển đổi này, trên nguyên tắc hợp lý, hài hòa, phù hợp, đáp ứng khả năng thu hồi vốn, nhưng phải có hiệu quả cao nhất.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị, các tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, phân bổ đầu tư đều ở các khu vực của Việt Nam, phù hợp với yêu cầu và phát huy hiệu quả đầu tư. Việc xây dựng hệ thống truyền tải điện phải hiệu quả, tránh lãng phí. Phân phối điện phù hợp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng vùng, địa phương. Đặc biệt, cần tính toán giá điện hợp lý, trên tinh thần đảm bảo lợi ích của các bên.
* Tiếp Giám đốc điều hành Lego, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn lãnh đạo tập đoàn đã đánh giá tốt về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Đồng thời cho biết, Việt Nam đang tiếp tục tập trung thúc đẩy xây dựng thể chế, cải cách hành chính phù hợp với yêu cầu tình hình mới.
Thủ tướng hoan nghênh Lego đã và tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam; đề nghị Lego phối hợp với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp, hài hòa lợi ích và có hiệu quả cao. Thủ tướng mong muốn sớm được chứng kiến các sản phẩm của Lego ra đời tại Việt Nam.
Tại các cuộc tiếp kể trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các nhà đầu tư đã lựa chọn Việt Nam và tiếp tục mở rộng đầu tư lâu dài tại Việt Nam; khẳng định Chính phủ Việt Nam sẵn sàng thảo luận cùng các nhà đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi nhất cùng thắng.