Khơi thông các nguồn lực

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:04, 02/11/2021

(HNM) - Quy hoạch phát triển văn hóa mang tính bao trùm, liên quan mật thiết đến chất lượng cuộc sống của người dân. Vì thế, quy hoạch về lĩnh vực này luôn được thành phố Hà Nội chú trọng triển khai và thực tế đã mang lại nhiều giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội.

Để thực hiện đồng nhất trên toàn thành phố, ngày 13-7-2012, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND về “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Từ việc đặt ra mục tiêu cùng những giải pháp cụ thể, đến nay, việc thực hiện quy hoạch phát triển văn hóa đã có những thành quả đáng khích lệ.

Những phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hay việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2020 đã lan tỏa trong đời sống. Ngoài ra, nhiều công trình công cộng đã được xây dựng để phục vụ người dân; nếp sống văn minh mới ngày càng xuất hiện nhiều hơn... Cùng với nguồn lực đầu tư của thành phố, các quận, huyện, thị xã cũng vận động, kêu gọi người dân chung tay thực hiện. Từ đó, nhiều di tích, điểm vui chơi, luyện tập thể dục thể thao... được cải tạo, nâng cấp. Việc này đã thực sự góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Song, thực tế cũng cho thấy, việc thực hiện quy hoạch văn hóa giữa các địa phương chưa đồng đều về chất lượng; một số địa phương chưa dành nguồn lực thỏa đáng để triển khai hiệu quả quy hoạch văn hóa của đơn vị mình... Những tồn tại này đã được Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội chỉ ra qua quá trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ở một số địa phương. Do vậy, các sở, ngành, địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục khó khăn, tiếp tục triển khai hiệu quả quy hoạch văn hóa ở ngành, địa phương mình trong thời gian tới.

Điều quan trọng để giải quyết từ gốc, đó là phải nâng cao nhận thức của mỗi người dân về vấn đề phát triển văn hóa Hà Nội; cần tuyên truyền cụ thể nội dung phát triển văn hóa Hà Nội gồm những vấn đề lớn, xuyên suốt như: Định hướng xây dựng lối sống, đời sống và môi trường văn hóa; quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể; quy hoạch hệ thống công viên, vườn hoa, sân chơi... Khi đã hiểu, thấy được ý nghĩa thiết thực của việc phát triển văn hóa, người dân sẽ chung tay thực hiện quy hoạch lĩnh vực này một cách có trách nhiệm.

Về phía cơ quan chức năng, việc tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa là rất cần thiết. Trong đó, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp quản lý rõ ràng. Rà soát, sắp xếp đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp văn hóa theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa... Các cấp, ngành cũng cần gắn quy hoạch văn hóa với phát triển công nghiệp văn hóa để khai thác được tiềm năng, tạo nguồn lực phát triển bền vững.

Và để thực hiện hiệu quả quy hoạch, rất cần sự chuẩn hóa về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ văn hóa từ thành phố đến cấp cơ sở khi đảm đương công việc. Đặc biệt, mỗi địa phương cần nâng cao tính chủ động, đặt con người vào trung tâm của quy hoạch phát triển văn hóa nhằm phát huy được những thế mạnh, bản sắc... Khi đó, các nguồn lực sẽ được khơi thông, văn hóa Hà Nội sẽ phát triển xứng tầm với vị thế là Thủ đô, trung tâm văn hóa hàng đầu cả nước.

Thiện Mỹ