Căng thẳng giữa Lebanon và các quốc gia vùng Vịnh: Nguy cơ khủng hoảng ngoại giao
Thế giới - Ngày đăng : 06:21, 02/11/2021
Nguyên nhân khiến căng thẳng bùng phát bắt nguồn từ phát ngôn bị phát tán trên mạng xã hội hôm 26-10 vừa qua của Bộ trưởng Bộ Thông tin Lebanon George Kordahi khi ám chỉ rằng, chiến dịch quân sự của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen là một cuộc xâm lược. Ngay lập tức, Saudi Arabia đã trục xuất Đại sứ Lebanon về nước, đồng thời ngừng tất cả hoạt động nhập khẩu từ Lebanon. Để bày tỏ sự ủng hộ đối với Riyadh, lần lượt các thành viên GCC là Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Kuwait đã triệu hồi Đại sứ tại Lebanon về nước.
Hiện tại, Chính phủ Lebanon đang nỗ lực tìm cách xoa dịu tình hình, đồng thời cho rằng, phát ngôn của Bộ trưởng George Kordahi, được đưa ra trước khi ông này đảm nhiệm chức vụ, không phản ánh lập trường của Beirut. Thủ tướng Lebanon Najib Mikati tái khẳng định cam kết của chính phủ nước này trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Saudi Arabia và kêu gọi các đối tác Arab sớm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan tới bình luận của Bộ trưởng G.Kordahi.
Tuy nhiên, trả lời Báo CNBC, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Saudi Arabia Faisal bin Farhan al-Saud cho biết, khúc mắc đối với Lebanon không chỉ nằm ở phát ngôn của Bộ trưởng G.Kordahi. Điều này còn cho thấy ảnh hưởng ngày càng gia tăng của phong trào Hezbollah đối với chính trường Lebanon. Từ năm 2016, Hezbollah đã bị GCC coi là tổ chức khủng bố và tiến hành nhiều chiến dịch truy quét. Riyadh cũng tạo nhiều sức ép đối với Beirut nhằm yêu cầu nước này loại bỏ Hezbollah ra khỏi chính trường. Hiện, phong trào này đang chiếm 13 ghế trong Quốc hội, đồng thời là chỗ dựa cho một số bộ trưởng trong nội các của Lebanon.
Theo các nhà phân tích, việc Saudi Arabia dừng mọi hoạt động nhập khẩu từ Lebanon là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của đất nước này, vốn đang chìm trong khủng hoảng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này được dự báo sẽ giảm 9,5% trong năm nay. Hiện, tổng nợ công của Lebanon lên tới 97,3 tỷ USD trong khi đồng nội tệ mất giá hơn 90% so với cuối năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức 40% và hơn một nửa dân số lâm vào cảnh nghèo đói. Ngân hàng Thế giới (WB) miêu tả tình trạng kinh tế tại Lebanon là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Nếu các nước Arab vùng Vịnh có những biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Lebanon, Beirut sẽ bị đẩy vào tình thế bị cô lập và thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 388,5 triệu USD/năm.
Trong bối cảnh Trung Đông đang chìm trong những bất ổn chưa có hồi kết, như cuộc xung đột ở Syria, xung đột dai dẳng giữa Palestine và Israel, hay cuộc chiến kéo dài tại Yemen, khủng hoảng ngoại giao giữa Lebanon và các thành viên GCC khiến cho diễn biến tại khu vực càng trở nên đáng lo ngại. Theo đánh giá của giới phân tích, để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay, Lebanon và các nước Arab vùng Vịnh cần có những bước đi phù hợp, đặc biệt là thúc đẩy cơ chế đối thoại trên tinh thần xây dựng, tránh đẩy căng thẳng lên cao, vì sự ổn định và an ninh trong khu vực, cũng như lợi ích của các bên.