Ngăn chặn hệ lụy từ mạng xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 06:11, 02/11/2021
Những hệ lụy...
Chị Dương Thu Hương, nhà ở đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm) cho biết, chị đã sốc khi phát hiện con gái 8 tuổi có chiều hướng thích xem những video clip của các anh chị hơn tuổi trên mạng xã hội TikTok. “Thậm chí, con gái còn sử dụng điện thoại của tôi để quay video bắt chước các động tác trong clip có tiêu đề “Nghe nói anh thích một cô gái có tâm hồn to và tròn” trên mạng xã hội TikTok. Tôi rất lo điều đó sẽ gây ra những hệ lụy không tốt cho trẻ”, chị Hương bày tỏ.
Còn theo anh Trần Anh Dũng, ở phố Chùa Bộc (quận Đống Đa), đi bất cứ quán cà phê, trà chanh nào, hoặc ở khu vực công cộng dễ bắt gặp hình ảnh giới trẻ dán mắt vào màn hình điện thoại và cười thích thú với những video clip trên nền tảng TikTok. “Có những học sinh chỉ mới 14, 15 tuổi còn uốn éo với các động tác phản cảm giữa đám đông nơi công cộng để quay video đăng lên mạng xã hội. Những hình ảnh này thật sự đáng báo động...”, anh Dũng lo lắng.
Không chỉ có những video clip thiếu lành mạnh với giới trẻ, TikTok đang trở thành kênh thông tin bị lợi dụng để lừa đảo kiếm tiền online. Hiện không khó để tiếp cận những video clip quảng cáo các ứng dụng trên TikTok như: “Kiếm tiền trên điện thoại miễn phí”, “tốp 10 ứng dụng kiếm tiền miễn phí”, “kiếm 500k với điện thoại app Cake”, “1.000 Follower bạn đã có thể kiếm tiền trên TikTok”…
Vụ việc anh Đặng Đình T. (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) và bạn bè bị lừa đảo do tham gia kiếm tiền online trên “TikTok Bonus” mới đây là một ví dụ đáng buồn. Không chỉ bản thân đầu tư số tiền lớn, anh T. còn lôi kéo 19 người bạn tham gia để hưởng 15% tiền hoa hồng khi nạp tiền đầu tư online qua “TikTok Bonus”. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 tháng, ứng dụng “TikTok Bonus” biến mất, số tiền hơn 1 tỷ đồng đầu tư của anh T. và những người bạn bị mất trắng.
Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, việc quản lý trang mạng xã hội còn rất nhiều khó khăn do giải pháp chưa đồng bộ; còn thụ động, chỉ xử lý hậu quả khi sự việc đã xảy ra, chứ chưa chủ động định hướng, cung cấp thông tin tích cực, chính thống lên mạng xã hội; sự hợp tác của doanh nghiệp nước ngoài trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm cũng còn bị động...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để ngăn chặn những thông tin xấu, độc, lừa đảo trên môi trường mạng, bảo vệ người dùng, các cơ quan chức năng đã, đang triển khai nhiều giải pháp. Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Nga cho biết, Cục đã tham gia vào mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; trong đó, đã đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời như đề nghị nhà mạng gỡ bỏ kênh xấu, độc hại...
Còn theo Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Quang Hưng, Trung tâm đã xây dựng “Cẩm nang Bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19” cho người dùng mạng xã hội khi kết nối trực tuyến. Trung tâm cũng vừa ra mắt ứng dụng Visafe hướng đến người dùng ở mọi lứa tuổi với tính năng “một chạm”, giúp mọi người bảo vệ mình an toàn hơn trên không gian mạng. Khi tải ứng dụng và sử dụng Visafe, truy cập vào trang web daylatrangluadao.click, người dùng sẽ được gửi thông báo khi truy cập trang web độc hại. Qua đó, Visafe sẽ chọn các trang web có chứa mã độc, những trang thu thập, theo dõi dữ liệu hành vi lướt web của người dùng và tự động chạm vào các đường dẫn (link), trang web được đánh giá không an toàn. Đặc biệt, Visafe sẽ giúp người dùng hạn chế tối đa việc bị đánh cắp thông tin và dữ liệu cá nhân.
Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên cho rằng, các cơ quan chức năng cần tích cực đối thoại, làm việc cũng như yêu cầu nhà cung cấp các nền tảng mạng xã hội, điển hình như TikTok, phải thay đổi để tạo ra một môi trường hướng đến các cuộc trò chuyện ý nghĩa, lành mạnh. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đến các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội. Ngoài ra, cần có quy định về định danh trên mạng xã hội để bảo vệ những người dùng lành mạnh và hưởng những ưu đãi có thể; đây cũng là cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện trách nhiệm của mình thuận lợi hơn.
Được biết, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã phát triển các tính năng nâng cao như cho phép tùy chỉnh, quản lý và thống kê thời gian sử dụng internet. Đây cũng là cách để các bậc phụ huynh quản lý thời gian truy cập mạng xã hội của con em mình, tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra khi nền tảng TikTok và các mạng xã hội khác đang bị lạm dụng như hiện nay.