Cấp đủ vắc xin phòng Covid-19 để Hà Nội tiêm phủ mũi 2 cho người đến hạn ngày 15-11
Chính trị - Ngày đăng : 12:02, 02/11/2021
Lãnh đạo thành phố Hà Nội làm việc với đoàn có Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19 thành phố Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống Covid-19 thành phố Chử Xuân Dũng; lãnh đạo một số sở, ban, ngành...
Số ca F0 bình quân tăng
Báo cáo về tình hình phòng, chống Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Hà Nội đã quyết tâm triển khai các giải pháp theo nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, từ ngày 11-10 đến nay, số ca mắc trung bình trong ngày tăng mạnh so với thời gian thực hiện bình thường mới từ ngày 21-9 đến ngày 10-10 (bình quân 21 ca/ngày so với 5,7 ca/ngày giai đoạn trước đó), liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người. Đặc biệt từ ngày 28-10 đến ngày 1-11, số ca nhiễm lên bình quân từ 33-57 ca/ngày. Dịch xâm nhập từ các địa phương có dịch diễn biến phức tạp và việc tập trung đông người do áp dụng nới lỏng vẫn là nguy cơ hiện hữu.
Tổng số mũi tiêm vắc xin cho người dân trên địa bàn thành phố là hơn 9,6 triệu; trong đó có hơn 6 triệu mũi 1 (đạt 92,3% dân số trên 18 tuổi và 69,4% tổng dân số), trên 3,6 triệu mũi 2 (đạt 55,4% dân số trên 18 tuổi và 41,6% tổng dân số). Số người trên 50 tuổi được tiêm vắc xin đến nay đạt tỷ lệ mũi 1 là 79,01%, mũi 2 là 45,9%. Dự kiến ngày 15-11, thành phố có khoảng 1 triệu người trên 50 tuổi đến hạn tiêm trả mũi 2.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội có hơn 2.800 trường học với xấp xỉ 2,1 triệu học sinh. Ngoài ra, còn có khoảng 1,1 triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Qua điều tra xã hội học, có 78% phụ huynh mong muốn đưa con em trở lại trường, 32% phụ huynh còn băn khoăn vì học sinh chưa được tiêm vắc xin.
Trên cơ sở thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, thành phố sẽ thực hiện dần từng bước cho học sinh trở lại trường. Trước mắt, từ ngày 8-11, tại 18 huyện, thị xã sẽ cho học sinh các lớp đầu cấp và cuối các cấp học (các lớp 5, 6, 9, 10 và 12) học trực tiếp tại trường học. Từng trường học phải đánh giá an toàn theo 16 tiêu chí.
Hà Nội kiến nghị hướng dẫn cách đánh giá cấp độ dịch cấp huyện
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội luôn xác định phải chủ động trong mọi tình huống chống dịch để giữ được thành quả. Đây còn là trách nhiệm của Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, đầu mối giao thương, trung tâm lớn về nhiều lĩnh vực, công tác phòng, chống dịch có ảnh hưởng, tác động mạnh đến các tỉnh, thành phố xung quanh. Kinh nghiệm chống dịch vừa qua càng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với Hà Nội, vì nếu để bùng phát dịch nặng như tại các tỉnh phía Nam sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn lực quốc gia. Vì vậy, Hà Nội phải kiên trì xác định phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn khi thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bám sát chỉ đạo của Trung ương, vừa làm, vừa cầu thị, rút kinh nghiệm.
“Điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh hiện nay, khi đã có những khu vực dịch lan mạnh trong cộng đồng như các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Phú Xuyên. Nguy cơ do người về từ vùng dịch cũng rất cao, không chỉ là người về từ các tỉnh phía Nam mà ở các phía như trường hợp F0 ở huyện Mê Linh vừa qua là người về từ Hà Giang”, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19 thành phố nói.
Đáng chú ý, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm phân bổ vắc xin tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi, tiêm phủ mũi 2 cho người dân đến hạn vào ngày 15-11 tới; Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá cấp độ dịch tại cấp huyện, tỉnh và hướng dẫn cụ thể về công tác xét nghiệm và cách ly y tế đối với người từ vùng dịch về; cập nhật phác đồ điều trị F0...
Nói thêm về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị ngoài quy định hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch chung, Bộ Y tế nên có hướng dẫn phù hợp với đặc thù đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Vì một quận như Hoàng Mai có dân số gần gấp đôi một tỉnh miền núi phía Bắc, nếu áp tiêu chí theo tỷ lệ dân số hiện nay, thì mặc dù số ca mắc lớn, nguy cơ cao vẫn được coi là “vùng xanh”.
Điều chỉnh linh hoạt, sát thực tiễn phương án khoanh vùng, cách ly
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, với đặc thù của đô thị lớn, việc Hà Nội giữ được tình hình như hiện nay là rất tốt. Tuy nhiên, thành phố phải rất cảnh giác, không được chủ quan, bởi thực tế cả nước cho thấy, dịch đã xâm nhập rất sâu trong cộng đồng. Hà Nội phải sẵn sàng các tình huống xấu hơn để có sự chuẩn bị cao hơn, không để bị động, bất ngờ. Các giải pháp phòng, chống dịch phải thống nhất. Đặc biệt, những nguyên tắc ban đầu trong phòng, chống dịch, gồm ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly vẫn phải thực hiện, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, bên cạnh các phương án đang triển khai, Hà Nội cần bổ sung các phương án khác, tiến hành tập dượt như thí điểm cách ly F1, điều trị tại nhà F0 có đủ điều kiện để xây dựng quy trình, tập huấn cho y tế tuyến dưới.
Đối với kiến nghị của thành phố, Phó Thủ tướng khẳng định, Hà Nội luôn là nơi được ưu tiên cung cấp vắc xin sớm. Bộ Y tế có trách nhiệm theo sát lịch trình tiêm của Thủ đô để bố trí đủ vắc xin tiêm cho toàn bộ người trên 18 tuổi, kể cả người từ nơi khác đến; bảo đảm tiêm phủ mũi 2 đúng thời hạn.
Về vấn đề đưa học sinh trở lại trường học, Phó Thủ tướng yêu cầu, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục rà soát, đánh giá kế hoạch. Tinh thần là an toàn mới đi học, nhưng an toàn ở đây là kiểm soát, bảo vệ được sức khỏe cho học sinh, cho cộng đồng ở mức cao nhất.
“Việc không được đến trường ảnh hưởng rất lớn đến học tập và tâm sinh lý của học sinh. Đây là nhu cầu không chỉ của học sinh, mà còn của gia đình, của lực lượng lao động trên địa bàn”, đồng chí Vũ Đức Đam nói, đồng thời phân tích, hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới mới khuyến nghị tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, chưa có khuyến nghị chính thức tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi, do vậy không thể đợi tiêm hết vắc xin hoặc không có Covid-19 mới cho trẻ đi học. Vì vậy, Hà Nội căn cứ thực tiễn, tiến hành mở dần trường học trở lại với tinh thần linh hoạt, không cứng nhắc.
Ghi nhận những kiến nghị của Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ giải đáp, hướng dẫn cụ thể; trong đó, Bộ Y tế cần nghiên cứu có phương án đánh giá cấp độ dịch đặc thù như đề nghị của Hà Nội; đồng thời, xem xét nghiên cứu phác đồ điều trị giúp các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn vật tư, thuốc men đề phòng.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.