Hà Nội: Phát triển nông nghiệp thông minh để tăng trưởng bền vững
Nông nghiệp - Ngày đăng : 15:34, 03/11/2021
Xu hướng phát triển tất yếu
Phát triển nông nghiệp thông minh là xu hướng đối với sản xuất nông nghiệp trên thế giới và Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, trên địa bàn thành phố hiện có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Trong đó, công nghệ, thiết bị thông minh được sử dụng chủ yếu trong việc quản lý, điều khiển môi trường sản xuất như trồng hoa lan, trồng nấm trong phòng lạnh...
Trong chăn nuôi, nhiều hộ nông dân Hà Nội đã xây dựng chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi; xây dựng dây chuyền cho ăn, uống tự động; sử dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, xử lý môi trường...
Trong thủy sản, nhiều hộ đã ứng dụng công nghệ "sông trong ao", sử dụng chế phẩm sinh học và máy tạo oxy tự động, công nghệ biofloc...
Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT Hà Nội, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh của Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của thành phố. Các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, làng nghề "nông nghiệp số" quy mô lớn được ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh theo chuỗi giá trị từ khâu nghiên cứu chọn tạo giống, tổ chức sản xuất, nuôi trồng, chế biến, bảo quản và tiêu thụ... chưa nhiều; cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh.
Tham luận tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở Hà Nội đã và đang đặt ra vấn đề cấp thiết phải phát triển một nền nông nghiệp vừa có tính chất đô thị vừa tiệm cận công nghệ thông minh phù hợp điều kiện đất đai, thị trường và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Thủ đô. Điều đó càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tạo động lực nội tại hướng đến sự phát triển bền vững của Hà Nội.
Giải pháp nào để phát triển?
Ông Trần Đình Khâm - đại diện Nhóm khởi nghiệp Tháp rau hữu cơ Eco Việt Nam chia sẻ, có nhiều cách để ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất một cách đơn giản, dễ đầu tư. Ví dụ, với mô hình tháp rau hữu cơ, 1 tháp có 6 tầng được thiết kế theo phương thẳng đứng. Khi sử dụng, mỗi tháp rau chỉ chiếm diện tích khoảng 1m2 nhưng sản lượng rau thu hoạch tương đương 4-5m2 mặt phẳng... nên rất phù hợp mô hình trồng rau hộ gia đình trong đô thị. Đặc biệt, rác thải hữu cơ trong các gia đình như bã chè, cọng rau thừa... được ủ sẽ trở thành phân hữu cơ để phục vụ trồng rau.
Còn với anh Nguyễn Đức Trường - đại diện đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ bay không người lái cho biết, với một thiết bị bay không người lái, nông dân có thể sử dụng để thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh, phun thuốc trừ sâu... rất nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí, đặc biệt thích hợp cho những cánh đồng lớn, nông dân không thể đi đến từng khu vực để kiểm tra.
Nhấn mạnh nông nghiệp thông minh là lĩnh vực mới phát triển, không chỉ ở Hà Nội mà còn trên phạm vi cả nước, Tiến sĩ Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục có những chính sách phù hợp thực tiễn sản xuất, có tính khả thi cao; từ đó, huy động các nguồn lực thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh. Ngoài ra, cần quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh.
PGS.TS Đặng Văn Đông - Viện Nghiên cứu rau quả trung ương cho biết, trong bối cảnh đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp liên tục bị thu hẹp, Hà Nội cần định hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị - thông minh, mang tính sinh thái, bền vững, xây dựng nông thôn mới phù hợp đặc thù của Hà Nội.
Những năm trước đây, Hà Nội đã xây dựng được các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính là tiền đề quan trọng để Hà Nội phát triển nông nghiệp thông minh. PGS.TS Đặng Văn Đông cũng cho rằng, để phát triển, nông nghiệp thông minh cần trở thành môn học và là nội dung công tác giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, vấn đề này cũng nên trở thành nội dung sinh hoạt của các tổ chức như đoàn thanh niên, hội phụ nữ... để tìm ra cách tiếp cận ứng dụng thực tế.
Trên cơ sở lợi thế sẵn có về nguồn trí thức, Tiến sĩ Lê Thành Ý (Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, nông nghiệp Thủ đô cần mở rộng hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và sau thu hoạch, chế biến, bảo quản. Cùng với đó, Hà Nội cần coi trọng việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị (chủng loại trong nước chưa làm được) trên cơ sở nghiên cứu thử nghiệm, thích nghi và làm chủ công nghệ nhập ngoại...
Nhiều ý kiến tham luận cũng cho rằng, Hà Nội cần có đề án riêng về phát triển nông nghiệp thông minh; cần "kích hoạt" các nhóm sáng kiến...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu thành phố hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nông nghiệp thông minh nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.