Khắc phục bất cập
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:03, 04/11/2021
Ở nước ta, hoạt động môi giới bất động sản ngày càng trở nên phổ biến, song còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Trong đó, đáng chú ý là nguồn nhân lực môi giới bất động sản hiện thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng. Hàng lang pháp lý cho hoạt động này chưa chặt chẽ, cùng với việc thiếu kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng dẫn đến một bộ phận không nhỏ người môi giới bất động sản thiếu kiến thức, kỹ năng, hoạt động nặng tính “chụp giật”, kiếm lời. Đáng chú ý, chủ đầu tư cũng có thể tự thành lập sàn giao dịch để bán sản phẩm của mình. Hệ quả, môi giới không chỉ giới thiệu về sản phẩm, làm cầu nối giữa cung và cầu, mà còn tham gia “thổi giá”, tạo ra những “cơn sốt” ảo gây nhiễu thị trường. Có thể thấy điều này qua những “cơn sốt đất” ở một số khu vực tại Hà Nội. Lợi dụng thông tin quy hoạch chưa chính thức, “cò đất” “vẽ” ra giao dịch “ảo” để đẩy giá đất tăng từng ngày. Sau khi đã bán sản phẩm với giá cao, văn phòng giao dịch cũng tự giải tán, để lại hậu quả không nhỏ cho những tổ chức, cá nhân liên quan.
Từ thực tế này, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản với những quy định nhằm siết chặt hoạt động môi giới. Dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án luật này từ năm 2022 và thông qua trong năm 2023. Vì vậy, việc hoàn thiện dự thảo luật cần được tiến hành khẩn trương, bảo đảm đúng quy trình. Trong đó, điều quan trọng nhất là khắc phục những bất cập về quy định hoạt động môi giới bất động sản, như yêu cầu người hành nghề môi giới phải qua đào tạo để được cấp chứng chỉ; không được hoạt động môi giới độc lập; việc mua bán bất động sản phải thông qua sàn giao dịch để bảo đảm minh bạch, chống thất thu ngân sách nhà nước và hạn chế nạn “làm giá”. Hơn hết, quy định pháp lý phải đưa hoạt động môi giới vào khuôn khổ để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Trong khi cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng luật, các cấp chính quyền cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động môi giới bất động sản. Người tham gia hoạt động môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề. Văn phòng phải có đăng ký kinh doanh. Trường hợp vi phạm quy định về hành nghề môi giới phải bị xử lý nghiêm.
Về phía doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, yêu cầu quan trọng nhất là phải tuân thủ quy định của pháp luật trong tổ chức hoạt động. Bởi, tuân thủ quy định pháp luật là hướng phát triển lâu dài, bền vững, tạo uy tín, nâng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Mặt khác, ý thức tuân thủ quy định là yếu tố tiên quyết bởi dù có sửa luật mà doanh nghiệp không chấp hành thì cũng khó đưa pháp luật vào cuộc sống và cũng không khắc phục được những bất cập trong hoạt động môi giới.
Để tránh những rắc rối pháp lý cũng như mua phải sản phẩm bất động sản không đúng giá trị thực, khách hàng cũng nên chọn lựa những đơn vị môi giới có uy tín, thương hiệu khi giao dịch. Bất động sản là tài sản giá trị lớn, vì vậy, người dân cần cảnh giác với những thông tin đồn thổi để vừa không tiếp tay cho đối tượng “cò mồi” làm méo mó thị trường, vừa tránh “tiền mất tật mang” cho chính mình. Sự chủ động của các bên liên quan sẽ dần khắc phục những bất cập đang đặt ra.