Không gian ngầm tại thành phố Hồ Chí Minh: Nâng tầm diện mạo đô thị
Kinh tế - Ngày đăng : 07:17, 05/11/2021
Không gian ngầm còn hạn chế
Là đô thị đặc biệt với 10 triệu dân, hạ tầng đô thị của thành phố Hồ Chí Minh đang chịu áp lực lớn. Quỹ đất xây dựng đô thị ngày càng khan hiếm, không gian xanh, không gian công cộng bị thu hẹp dần. Đơn cử, tại khu trung tâm hiện hữu, quỹ đất dành cho giao thông, không gian đi bộ gần như không còn. Anh Nguyễn Thành Tâm (phường Bến Nghé, quận 1) cho biết, người dân mong muốn thành phố có một không gian ngầm vừa đáp ứng mục đích giao thông, vừa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí.
Khoảng 10 năm trở lại đây, thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng một số công trình ngầm, như các dự án hầm vượt cho người đi bộ, hầm đỗ xe, hầm vượt cho xe cơ giới qua các nút giao cắt, tầng hầm thương mại tại các tòa nhà, đặc biệt là đường hầm sông Sài Gòn (dài 1.490m, rộng 6 làn xe)… Tuy nhiên đến nay, thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa xây dựng được bản đồ các công trình ngầm và dữ liệu quản lý không gian ngầm đô thị. Chỉ có một số khu vực nhỏ bước đầu đã xây dựng được bản đồ không gian ngầm, điển hình là không gian ngầm của tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
PGS.TS Lưu Đức Hải (nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng) cho rằng, khung pháp lý hiện nay đã bao quát được các vấn đề về quy hoạch không gian ngầm, nhưng vẫn còn những hạn chế, như thiếu các quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công trình ngầm độc lập; thiếu quy định cụ thể công trình nào được phép xây dựng tầng hầm; thiếu cơ chế, chính sách chiến lược để phát triển quy hoạch không gian ngầm… Điều này dẫn đến những khó khăn nhất định cho công tác lập và thực hiện quy hoạch không gian ngầm đô thị.
Còn theo kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh, trong việc phát triển đô thị hiện đại, bên cạnh chiều cao, cần phải tận dụng cả chiều sâu dưới mặt đất. Tuy nhiên, thành phố Hồ Chí Minh có ít công trình ngầm. Nhưng đây lại là điều kiện thuận lợi để thành phố quy hoạch phát triển không gian ngầm bài bản, đồng bộ hơn trong tương lai.
Quy hoạch phải đồng bộ, hài hòa
Hiện, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 11ha diện tích không gian ngầm, chủ yếu thuộc các trung tâm thương mại và các bãi đỗ xe. Một số không gian ngầm đã được quy hoạch và đang được xây dựng, như: Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành diện tích 45.000m²; 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son) của tuyến metro số 1. Tương lai, thành phố sẽ có thêm 72 ga ngầm thuộc 8 tuyến metro và 3 tuyến tàu một ray (monorail).
Theo dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh do Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo, khu vực các tuyến đường: Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tôn Đức Thắng; Công viên Bến Bạch Đằng, Công trường Mê Linh (quận 1) được quy hoạch thành các không gian ngầm.
Cụ thể, đường Nguyễn Huệ có không gian ngầm nhiều tầng dành cho người đi bộ, trung tâm thương mại ngầm, bãi đỗ xe ngầm; đường Lê Lợi có không gian ngầm của đoạn chạy ngầm tuyến metro số 1 kết nối các ga ngầm Bến Thành và Nhà hát thành phố; khu Công viên Bến Bạch Đằng có bãi đỗ xe ngầm đường Tôn Đức Thắng; khu công trường Mê Linh được xây dựng vườn trũng ở tầng ngầm, xung quanh có các quán cà phê, cửa hàng, nhà hàng... Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng các chuỗi trung tâm thương mại ngầm kết nối với các ga ngầm của tuyến metro số 1, metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) hiện đang được xây dựng.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết, việc quy hoạch không gian ngầm đã được thành phố nghiên cứu gần mười năm trước. Đến năm 2020, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn công tác lập quy hoạch không gian ngầm đô thị tại thành phố. Theo đó, không gian ngầm không chỉ đơn thuần kết nối giao thông công cộng mà còn được quy hoạch giống một “đô thị dưới lòng đất”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình thông tin thêm, thành phố đang lập và phê duyệt quy hoạch không gian ngầm đô thị khu trung tâm hiện hữu 930ha, Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các khu đô thị mới khác. Tiêu chí lập quy hoạch không gian ngầm là phải đồng bộ, hài hòa với các công trình, kiến trúc trên mặt đất; đồng thời vừa đáp ứng mục tiêu giảm mật độ hạ tầng đô thị trên mặt đất, vừa khai thác hiệu quả không gian ngầm.