Lan tỏa "điều hay, lẽ phải"
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 06/11/2021
Đặc biệt, trong thực hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cấp chính quyền, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân Thủ đô với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Quá trình thực hiện các quy tắc ứng xử, yếu tố xây dựng người Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, văn minh, luôn được nhấn mạnh và đề cao. Nói lời hay, làm việc tốt, phong cách sống đẹp, thân thiện đã, đang ngày càng lan tỏa sâu rộng trong các khu dân cư và công sở trên địa bàn Thủ đô.
Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục xác định nhiệm vụ quan trọng: “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc”. Cụ thể hóa nhiệm vụ này, trong Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, cũng khẳng định: Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Để văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đưa hệ thống quy tắc ứng xử của thành phố vào đời sống một cách thực chất, hiệu quả. Giải pháp cốt lõi là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng việc phối hợp nhiều cách thức khác nhau, như qua mạng xã hội, tuyên truyền miệng, tờ rơi, tổ chức hội nghị, truyền thông báo chí… Làm sao để người dân Thủ đô tiếp nhận những “điều hay, lẽ phải” một cách tự nhiên trên cơ sở dễ hiểu, dễ thực hành trong chính những việc làm và mối quan hệ diễn ra hằng ngày của họ.
Thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, bền bỉ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải là những người tiên phong, gương mẫu, vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền, lan tỏa lối sống đẹp, việc làm hay, vừa là chủ thể thực hiện để nhân dân noi theo, làm theo. Mỗi người cũng cần thể hiện trách nhiệm, cùng gia đình, người thân thực hiện tốt việc xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng dân cư.
Quá trình triển khai các quy tắc ứng xử cần gắn với các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”..., từ đó đạt hiệu quả toàn diện trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đặc biệt, cần phát hiện các nhân tố mới, mô hình mới trong xây dựng và phát triển văn hóa để nhân rộng; đồng thời tăng cường giám sát để kịp thời uốn nắn, đẩy lùi những “thói hư, tật xấu”.
Thực hiện hiệu quả các quy tắc ứng xử chính là lan tỏa những "điều hay, lẽ phải" tốt đẹp trong cuộc sống, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.