Quản lý người sử dụng ma túy tại cộng đồng: Cần chia sẻ trách nhiệm

Đời sống - Ngày đăng : 07:30, 06/11/2021

(HNM) - Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Một trong những điểm mới của luật này là các tình nguyện viên của Đội công tác xã hội tình nguyện, thành viên Câu lạc bộ quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng (Câu lạc bộ B93)... có trách nhiệm quản lý, hỗ trợ người sử dụng ma túy. Đây là nhiệm vụ khó, đòi hỏi các bên phải cộng đồng trách nhiệm. Để rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới ghi lại một số ý kiến của những “người trong cuộc”.

Đại diện các cơ quan chức năng tham gia tư vấn, quản lý người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng dự tập huấn về những điểm mới trong Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội:
Giải pháp quan trọng để phòng, chống ma túy

Tính đến thời điểm ngày 15-9-2021, toàn thành phố ghi nhận 17.917 người nghiện, người sử dụng ma túy, trong đó có 10.956 người xác định rõ tình trạng nghiện. Số người sử dụng ma túy trong thực tế có thể lớn hơn nhiều con số được thống kê. Vì vậy, nếu quản lý tốt các trường hợp sử dụng ma túy tại cộng đồng, thì đó là giải pháp quan trọng để phòng, chống ma túy nói riêng, tệ nạn xã hội nói chung, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.

Trên thực tế, các mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện và quản lý sau cai tại cơ sở đã, đang phát huy hiệu quả tích cực. Dẫn chứng là, giai đoạn 2015-2020, các câu lạc bộ B93 đã thực hiện hơn 12.000 lượt tiếp cận cá nhân với các trường hợp; hỗ trợ 150 lượt hội viên học nghề, giúp đỡ 160 hội viên có việc làm... Tiếc rằng, đâu đó còn một số địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức đến công tác này, khiến có chỗ, có nơi các mô hình hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng còn hoạt động mang tính hình thức. Trước thực trạng nêu trên, tôi mong muốn chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các mô hình hỗ trợ cai nghiện ma túy tại cộng đồng hoạt động hiệu quả. Việc quản lý người sử dụng ma túy luôn nhận được sự quan tâm, cộng đồng trách nhiệm của nhiều người, nhiều phía.

Ông Phạm Mạnh Cương, cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Long Biên:
Càng khó càng cần sự quyết tâm

Việc phát hiện người sử dụng ma túy và tiếp cận, đưa họ vào diện quản lý tại cộng đồng là không dễ. Tuy nhiên, với mạng lưới tình nguyện viên của các đội công tác xã hội tình nguyện “phủ kín” đến từng tổ dân phố, sự quan tâm sâu sát của các cơ quan chức năng đến nhóm đối tượng có nguy cơ cao, tôi hy vọng, nhiệm vụ này sẽ được thực thi.

Chẳng hạn, tại quận Long Biên, 14 phường trên địa bàn có 118 tình nguyện viên của Đội công tác xã hội tình nguyện và một số mô hình hỗ trợ cai nghiện ma túy tại cộng đồng đang hoạt động.

Thông qua mô hình này, thời gian qua, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn chuyển biến đáng kể. Nhiều trường hợp nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện; đại đa số trường hợp hoàn thành công tác cai nghiện trở về địa phương được quản lý, hỗ trợ để tái hòa nhập cộng đồng. Nhìn chung, khi triển khai các nhiệm vụ mới, thời gian đầu sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng càng khó thì càng cần sự quyết tâm.

Bà Đỗ Thị Luyện, Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 phường Trung Phụng (quận Đống Đa):
Cần phát hiện sớm người sử dụng ma túy

Qua nhiều năm hỗ trợ người nghiện ma túy, tôi thấy rằng, việc phát hiện người sử dụng ma túy là không dễ thực hiện. Bởi thời gian đầu sử dụng ma túy, đa số họ ít có biểu hiện... của người nghiện, nên đôi khi người thân và gia đình họ cũng chưa thể phát hiện. Trong trường hợp phát hiện được, thì tâm lý của nhiều gia đình muốn che giấu tình trạng sử dụng ma túy của con em họ. Cần quan tâm hơn, các trường hợp sử dụng ma túy thường sử dụng tại những địa điểm khác nơi cư trú, nên khó nắm bắt.

Vì thế, tôi mong muốn các bên liên quan cùng cộng đồng trách nhiệm để phát hiện sớm người sử dụng ma túy, đưa vào theo dõi, quản lý, hỗ trợ càng sớm càng tốt. Trong đó, sự phối hợp của gia đình có tính chất quyết định, sự quan tâm sâu sát của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở có vai trò quan trọng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về những điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), tác hại của việc sử dụng ma túy đối với người dân và cộng đồng cần được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Ông Nguyễn Văn Chờ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng):
Sẽ lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh

Để tiếp cận với người sử dụng ma túy cần sự phối hợp của nhiều người, nhiều phía. Do đó, chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ. Mọi thông tin liên quan đến các trường hợp này sẽ được giữ kín theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm an toàn cho người cung cấp thông tin.

Với nhiệm vụ được giao, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức truyền thông rộng rãi trong cộng đồng về nội dung quản lý người sử dụng ma túy; kiên trì tiếp cận, gặp gỡ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ để vận động họ tham gia tư vấn, điều trị, góp phần ngăn ngừa họ lún sâu vào con đường lầm lỡ. Bằng cách này, tôi tin lực lượng tình nguyện viên tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội và chính quyền cấp cơ sở có thể từng bước đưa các quy định của pháp luật về quản lý người sử dụng ma túy tại cộng đồng vào đời sống.

Hà Hiền