Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19
Kinh tế - Ngày đăng : 09:02, 06/11/2021
Tham dự hội nghị, về phía cơ quan trung ương có các đồng chí: Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và lãnh đạo một số tổng cục.
Về phía Hà Nội, dự hội nghị còn có các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố và đại diện các hiệp hội. Đặc biệt, hội nghị có sự hiện diện của đại diện nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội...
Lắng nghe và giải quyết thấu đáo ngay tại hội nghị đối với những kiến nghị, đề xuất chính đáng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Những kết quả bước đầu đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố thời gian qua là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó có đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Các doanh nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn khi thành phố thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, tuy nhiên, với ý thức trách nhiệm cao, các doanh nghiệp đã nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của thành phố, chủ động xây dựng và vận hành phương án sản xuất, kinh doanh thích nghi với tình hình dịch bệnh, phù hợp điều kiện thực tế của doanh nghiệp.
Lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế, chính sách, về thủ tục hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Kết quả cho thấy, Hà Nội đã thu hút được trên 201.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn thành phố, đứng thứ hai toàn quốc và chiếm tới 23,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, góp phần cùng Thủ đô đóng góp 16% GDP, 18,5% tổng thu ngân sách, 8,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước…
Những nỗ lực của thành phố Hà Nội trong thời gian qua được xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Tổng sản phẩm GRDP của thành phố 9 tháng năm 2021 tuy vẫn tăng trưởng dương 1,28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Mặc dù, trong 10 tháng năm 2021, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 76%, nhưng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 10%, doanh nghiệp giải thể tăng 26%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, một số chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị gián đoạn; việc giao thương hàng hóa, đi lại của các doanh nhân, chuyên gia, người lao động cũng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn bởi đại dịch Covid-19.
Đồng hành và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp; với phương châm sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế; chính quyền thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Xác định ngoại lực đến từ các nhà đầu tư nước ngoài là nhân tố quan trọng, nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững, tính tự chủ của nền kinh tế, thành phố Hà Nội cam kết luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết thấu đáo ngay tại hội nghị đối với những kiến nghị, đề xuất chính đáng từ phía doanh nghiệp, và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của thành phố.
Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, kết quả giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian qua và giới thiệu tóm tắt Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, ngay đầu năm, đại dịch Covid-19 đã bùng phát với biến chủng Delta nguy hiểm và lây lan rất nhanh. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, đặc biệt là các tháng 7, 8, 9 ở các lĩnh vực: Thương mại, dịch vụ du lịch, vận tải, vui chơi giải trí,... suy giảm mạnh; sang tháng 10, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi, tuy nhiên lũy kế 10 tháng vẫn giảm sâu hoặc chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Trong 10 tháng của năm 2021, có 19.848 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 275.152 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 17,16 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài 1,21 tỷ USD. Thu ngân sách 10 tháng đạt 215 nghìn tỷ đồng, đạt 91,5% dự toán trung ương giao và 85,7% dự toán của thành phố, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020, bảo đảm cân đối cho chi ngân sách, nhất là chi đầu tư phát triển, phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ ổn định an sinh xã hội.
Về gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, thành phố đã hỗ trợ cho 1,82 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng; chi trả cho 1,09 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm với tổng số tiền 2.684 tỷ đồng. Bên cạnh đó, triển khai chính sách đặc thù, đã thực hiện hỗ trợ cho 289 nghìn đối tượng với kinh phí 299 tỷ đồng. Các tổ chức chính trị - xã hội và các nhà hảo tâm đã cùng chung sức hỗ trợ cho 1,07 triệu lượt người, hộ gia đình khó khăn với số tiền 317 tỷ đồng. Việc rà soát, miễn, giảm, giãn, hoãn nộp thuế được khẩn trương thực hiện với số tiền hơn 22,6 nghìn tỷ đồng cho 38.000 doanh nghiệp, người nộp thuế; trong đó: 21,9 nghìn tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn và 610 tỷ đồng tiền thuê đất giảm.
Đi đôi với triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội, ngay từ những ngày đầu xảy ra đại dịch Covid-19, thành phố đã chủ động nắm bắt các vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.
Ngày 1-11, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022 và 2023. Kế hoạch đề ra 3 mục tiêu chính, trong đó có hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Kế hoạch cũng đã đề ra 5 nhóm giải pháp. Trong nhóm giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thực hiện nhanh nhất, đầy đủ nhất các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hỗ trợ lưu thông hàng hóa và đi lại; hỗ trợ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời, thực hiện các cơ chế chính sách của thành phố.
Đề xuất, kiến nghị cụ thể từ doanh nghiệp
Hội nghị chuyển sang phần đối thoại, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, thời gian qua, Chính phủ và thành phố luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Nhiều chính sách hỗ trợ được doanh nghiệp đánh giá cao như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; giảm lãi suất cho vay, giảm tiền thuê đất, tiền điện; gia hạn thuế...
Nhiều chính sách hỗ trợ được đánh giá hữu ích nhưng còn khoảng cách khá xa từ chủ trương đến triển khai thực tế, đặc biệt, vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất vì nhiều điều kiện đi kèm.
Ông Mạc Quốc Anh nêu 8 đề xuất, kiến nghị với Trung ương và thành phố. Trong đó, tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết các kiến nghị; đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới; tiếp tục đề xuất giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp một số loại thuế cho doanh nghiệp; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm các chi phí mặt hàng thiết yếu như: Điện, nước, xăng dầu; có các gói giải pháp hỗ trợ về chính sách, tài chính, đào tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội cho biết, một trong các lĩnh vực trọng yếu của kinh tế Thủ đô hiện nay là các sản phẩm công nghiệp chủ lực.
“Chúng tôi kiến nghị, thành phố cần nhanh chóng có các giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vắc xin đối với người lao động tại các doanh nghiệp; có hướng dẫn cụ thể hơn về công tác phòng, chống dịch tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy. Song song với đó là đẩy mạnh triển khai các chính sách tài chính, tài khóa như việc miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giãn nợ, xóa nợ, cơ cấu lại nguồn vay, giãn nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…”, ông Sơn kiến nghị.
Cũng theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội, cần có các giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã tham gia mang lại.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG nêu ý kiến về tiếp tục đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính, qua đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng, khởi công các dự án. Đồng thời, đưa du lịch, công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế của Thủ đô. Bà Nga cũng cho biết thêm, BRG đã góp vốn để xây dựng một công trình vui chơi trong nhà Hello Kitty tại quận Tây Hồ. Mặc dù dự án đã hoàn thành thiết kế, đặt nhiều thiết bị từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai xây dựng do vướng mắc về đất đai.
“Đề nghị Thành ủy, UBND thành phố, các sở, ban, ngành thành phố hỗ trợ dự án sớm được triển khai để phục vụ tốt nhu cầu vui chơi của trẻ em, thanh thiếu niên Thủ đô và khách du lịch”, bà Nguyễn Thị Nga mong mỏi. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cũng đề xuất giảm giá điện cho sân golf bởi lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh.
Còn theo ông Chu Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ, hiện có 10 bộ luật các cơ quan, trung ương, bộ, ngành, thành phố Hà Nội áp dụng đến cấp địa phương. Doanh nghiệp gặp xung đột lớn khiến nhiều dự án tranh chấp xung đột pháp lý. Vì vậy, cần có cơ chế đặc thù cho Thủ đô để tháo gỡ được những khó khăn này nhanh hơn, hiệu quả hơn…
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse cũng chia sẻ, các luật chồng chéo khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, điển hình như doanh nghiệp chưa xin phép xây dựng được nhà máy do vướng quy định của tỉnh Hà Tây cũ…và mong muốn thành phố tháo gỡ khó khăn. “Hiện Hà Nội có hơn 200.000 doanh nghiệp. Thành phố cần có hệ thống số hóa để ghi nhận các công việc, kiến nghị của doanh nghiệp để có thời hạn trả lời cho doanh nghiệp việc gì được, việc gì không được, để cả đề xuất ý kiến của các doanh nghiệp nhỏ cũng được giải quyết”, ông Nguyễn Xuân Phú kiến nghị thêm.
Ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hanel Mirolin kiến nghị Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo, giải quyết việc ra quyết định cho Công ty cổ phần Hanel Mirolin được thuê đất để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp làng nghề Đại Thắng; đề nghị Sở Xây dựng cấp phép xây dựng để chủ đầu tư có thể tiến hành tổ chức khởi công vào tháng 11-2021.
Ông Phạm Văn Khương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup nêu kiến nghị về thủ tục cải cách hành chính, các văn bản trả lời liên thông của các sở, ngành, quận, huyện phải thực sự cải cách chuyển biến tốt trong thời gian ngắn nhất, có thể đạt được trong 5-7 ngày, bởi thời gian kéo dài kéo theo nhiều khó khăn cho doanh nghiệp...
Hội nghị tập trung 'đúng, trúng' vấn đề
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đợt dịch thứ 4 ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội, vì vậy, phải bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, thích ứng, an toàn, hiệu quả với dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới thường xuyên đưa ra các khuyến cáo y tế khác nhau về phòng, chống dịch. Hiện nay, nhu cầu tiêm vắc xin trong nước chưa thể đáp ứng đủ, do đó, song song với việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, việc tiêm vắc xin phòng, chống dịch cũng được tiến hành trên cơ sở chọn đối tượng, đưa ra đối tượng phù hợp với lộ trình của vắc xin và diễn biến của dịch.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất cụ thể, khi có F0, F1 tại nơi sản xuất, chỉ phong tỏa phân xưởng nơi có ca mắc, không phong tỏa cả nhà máy. Sau khi đưa F0, F1 đi cách ly, tiến hành phun khử khuẩn để sau 24 giờ có thể hoạt động trở lại bình thường…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 và thực hiện song song việc rà soát, sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh. Tinh thần chung là tích cực và quyết liệt tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các dự án đầu tư. Thời gian tới, sẽ nghiên cứu, sửa đổi một số luật cho phù hợp với thực tế; tích cực cải cách thủ tục hành chính, tích hợp một số thủ tục vào giấy phép đăng ký kinh doanh.
Về vấn đề thuế, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu chính phủ giảm thuế cho doanh nghiệp. Hiện trong quá trình thực hiện còn nhiều luật chồng chéo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu Chính phủ sửa 6 luật, trình Quốc hội xem xét trong tháng 12 tới. Với chương trình chuyển đổi số, Bộ cũng đang triển khai 3 chương trình lớn.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Hoàng Quang Phòng đánh giá cao thành phố Hà Nội đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp. Cách làm của Hà Nội rất hay, đặc biệt, tại hội nghị, vấn đề đưa ra rất đúng và trúng cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Theo ông Hoàng Quang Phòng, sự có mặt và phát biểu của lãnh đạo Thành ủy đã thể hiện sự quan tâm, đồng hành của thành phố với doanh nghiệp.
Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị chương trình phục hồi và phát triển bền vững, Phó Chủ tịch VCCI kiến nghị công tác soạn thảo cần chú ý phân chia giai đoạn, đối tượng cụ thể, tránh cào bằng. Các gói hỗ trợ, đào tạo lao động cần nhanh chóng được xây dựng với quy mô và mức hỗ trợ phù hợp.
Triển khai 4 nhóm nhiệm vụ
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, sau 3 giờ làm việc khẩn trương, hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế rất trọng tâm, chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của thành phố.
Tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, cùng với những đề xuất, kiến nghị đã được giải đáp, hướng dẫn tại hội nghị, đồng chí Chu Ngọc Anh giao nhiệm vụ đến các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai 4 nhóm nhiệm vụ.
Trong đó, tiếp tục chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp; tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ. Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp có hành động phối hợp cùng thành phố.
“Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô thông minh, hiện đại”, đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.