Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch: An toàn là yếu tố kích cầu du lịch hiệu quả nhất
Du lịch - Ngày đăng : 05:09, 07/11/2021
- Thưa ông, một cách ngắn gọn, ông đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành Du lịch gần 2 năm qua?
- Gần 2 năm qua các hoạt động du lịch bị đình trệ, hơn 90% doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, vận chuyển khách... trên cả nước phải tạm ngừng hoạt động. Ngoài đối tượng khách cách ly, khách thương mại, công vụ, hầu như chúng ta không đón được khách du lịch thuần túy. Chưa bao giờ hoạt động du lịch rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay. Nhiều lao động trong lĩnh vực du lịch đã bị mất việc. Hoạt động du lịch tại các địa phương trọng điểm du lịch như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng... đều bị tê liệt trong thời gian dài.
Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19 cùng với việc triển khai tiêm phủ vắc xin diện rộng ở nhiều địa phương trong cả nước và kinh nghiệm từ quá trình chống dịch vừa qua, Chính phủ đã nhanh chóng đánh giá tình hình và thay đổi chiến lược ứng phó với dịch bệnh bằng việc thay đổi nhận thức, không kỳ vọng vào việc đạt “Zero Covid” (không Covid), chuyển sang trạng thái thích nghi, linh hoạt ứng phó để khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới.
- Vậy thì chúng ta sẽ phải bắt đầu từ đâu để phục hồi ngành Du lịch?
- Để đón được khách nội địa và quốc tế cần có sự chỉ đạo từ Chính phủ cũng như sự điều phối chung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành, địa phương, tránh việc nơi mở, nơi đóng. Mỗi địa phương cần có sự chủ động sáng tạo, lựa chọn các điểm đến an toàn và đồng hành cùng doanh nghiệp để hình thành các tour khép kín, khuyến cáo du khách đến các khu, điểm du lịch đã được khoanh vùng an toàn. Loại hình nghỉ dưỡng khép kín tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn là hoàn toàn phù hợp. Với các điểm tham quan, cần tổ chức đi theo hành trình nhất định, đến những nơi an toàn và người dân đã được tiêm vắc xin. Doanh nghiệp lữ hành cần kết nối với các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, cam kết xây dựng chương trình tour bảo đảm các điều kiện an toàn về dịch bệnh, đồng thời có sự hỗ trợ của chính quyền, tránh việc mỗi địa phương đưa ra một quy định, thủ tục khác nhau.
Nếu năm 2022, việc miễn dịch cộng đồng được nâng cao, chắc chắn tốc độ tăng trưởng du lịch sẽ “bật” như lò xo khi nhu cầu du lịch của người dân bị nén trong thời gian dài. Lúc này, các địa phương đã có thêm kinh nghiệm về ứng phó, phòng, chống dịch và bảo đảm an toàn cho du khách sẽ càng góp phần vào việc phục hồi và phát triển du lịch. Dù là ngành bị tổn thương nhiều nhất nhưng du lịch cũng sẽ là ngành phục hồi nhanh nhất và có thể tạo đà để các ngành khác hồi phục, phát triển. Vì thế Chính phủ cần đặc biệt quan tâm, hỗ trợ và dành nguồn lực cho ngành Du lịch, doanh nghiệp, cộng đồng, người lao động để phục hồi hoạt động này nhanh nhất. Với các doanh nghiệp, đặc biệt với các hộ kinh doanh homestay, nguồn lực ban đầu rất quan trọng vì đến thời điểm này họ gần như kiệt quệ. Những địa phương có điều kiện phát triển loại hình du lịch cộng đồng càng phải nhanh chóng dành nguồn lực, hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất, khôi phục hoạt động du lịch cộng đồng để mang lại sinh kế cho người dân.
Lúc này, ở các tỉnh còn nhiều khó khăn, lượng khách du lịch ít lại là điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch bởi có thể dễ dàng giữ được an toàn cho du khách. Bởi vậy, các tỉnh miền núi Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long cần vào cuộc ngay để thúc đẩy phát triển du lịch.
- Việt Nam phải làm gì để chớp thời cơ phục hồi sau đại dịch và tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, thưa ông?
- Chúng ta phải tạo dựng được môi trường điểm đến an toàn đối với cả khách du lịch nội địa lẫn khách quốc tế. Trước tiên, cần làm tốt việc đón khách nội địa, sau đó mới đón khách quốc tế. Quan trọng là các địa phương khi đã mở cửa đón khách, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và khách du lịch. Tạo thuận lợi ở đây gắn với việc tạo môi trường thống nhất, đồng bộ để doanh nghiệp không băn khoăn khi tổ chức hoạt động du lịch. Các địa phương đón khách du lịch phải tạo điều kiện một cách tốt nhất trong vấn đề đi lại cho du khách, có đường dây nóng để doanh nghiệp và khách du lịch phản ánh kịp thời những vướng mắc trong quá trình tham quan du lịch tại các địa phương.
Đối với khách quốc tế, các bộ, ngành liên quan đến các thủ tục xuất nhập cảnh và Bộ Y tế cần tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ với nhau để tạo quy định thuận lợi, thống nhất trong quy trình xuất nhập cảnh tại Việt Nam đối với các thị trường an toàn để đón khách. Phải có giải pháp đồng bộ, thống nhất, có chỉ đạo xuyên suốt từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, tránh tình trạng “trên thông dưới tắc” như đã xảy ra ở một số địa phương vừa qua. Nếu khách quốc tế bỏ tiền và thời gian để đến mà phải đi tour trong tình trạng khó khăn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của đất nước cũng như việc đón khách sau này.
- Từ đợt dịch này, du lịch Việt Nam cần xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển du lịch như thế nào để tăng “sức đề kháng” và thích nghi với những biến động tương tự trong tương lai?
- Du lịch là ngành dễ bị tổn thương và thường xuyên chịu các tác động khách quan như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, chiến tranh... Do vậy ngành Du lịch phải luôn nhạy bén, thích ứng để kịp thời đưa ra các chiến lược, giải pháp ứng phó với rủi ro, khủng hoảng. Trong lịch sử ngành Du lịch đã không ít lần bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, khủng hoảng tài chính... vào các năm 2003, 2004, 2005, 2009, 2014. Qua những biến cố lớn đó, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm ứng phó, trong đó hiệu quả nhất phải kể đến chương trình kích cầu du lịch lần đầu tiên được tiến hành vào năm 2009 đã góp phần hồi phục ngành Du lịch nhanh chóng và đến nay vẫn còn nguyên tính ứng dụng. Hay như chương trình kích cầu năm 2014 với slogan: “Người Việt Nam du lịch Việt Nam - mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc” đã khơi dậy tình yêu quê hương đất nước trong mỗi người dân. Vì thế, năm đó, mặc dù lượng khách du lịch quốc tế bị suy giảm nặng nhưng khách nội địa lại tăng vọt, kéo theo tốc độ tăng trưởng và tổng thu du lịch năm đó đều tăng cao.
Các chương trình trên đều đạt hiệu quả là nhờ cách làm thực tế cùng sự lắng nghe của các cơ quan quản lý Nhà nước với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để đưa ra những quyết sách phù hợp, cụ thể, giúp doanh nghiệp dễ dàng triển khai và khuyến khích khách đi du lịch. Vì thế, để ứng phó với những biến động tương tự trong tương lai, tôi cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường lắng nghe, tiếp thu ý kiến, đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng, những người làm chính sách phải đặt mình vào vị trí của người được thụ hưởng để xây dựng những chương trình, chính sách phù hợp, khả thi.
Hiện nay, chương trình kích cầu du lịch tại các địa phương vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng khái niệm “kích cầu” đã thay đổi. Nhu cầu đi du lịch hiện đã bị nén. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải là kích thích để khách đi du lịch mà là để họ thấy được sự an toàn, thuận lợi tại các điểm đến.
- Trân trọng cảm ơn ông!