Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính: Triển khai nhiều cách làm hay

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:17, 08/11/2021

(HNM) - Với quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân, thời gian qua, nhiều cơ quan hành chính nhà nước của thành phố Hà Nội đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách, triển khai những cách làm hay, mang tinh thần phục vụ. Qua đó, người dân nhanh chóng được thụ hưởng tiện ích, đồng thời chất lượng công việc tại các cơ quan, công sở cũng được nâng cao.

Công chức bộ phận “một cửa” UBND quận Hà Đông hướng dẫn người dân cách sử dụng hệ thống ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Ảnh: Hiền Chi

Vì nhân dân phục vụ

Hơn 1 năm qua, bộ phận “một cửa” của UBND quận Hà Đông đã thay thế việc lấy phiếu xếp hàng theo công nghệ cũ bằng hệ thống ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Điểm khác biệt của hệ thống này là công dân không cần chạm vào hệ thống để lấy số thứ tự mà chỉ cần đứng trước máy là sẽ được tự động nhận diện khuôn mặt, lưu trữ toàn bộ thông tin khuôn mặt và dữ liệu liên quan. Các thông tin được kết nối với hệ thống phần mềm quản lý của đơn vị để cán bộ, công chức nắm được lượng khách, thời gian chờ, thời gian giao dịch, đặc biệt là bảo đảm được thứ tự ưu tiên giao dịch của khách hàng tại các quầy có cùng nghiệp vụ, tiết kiệm thời gian cho công dân và cán bộ.

Anh Trịnh Văn Bình (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) đã trải nghiệm tiện ích nhận dạng khuôn mặt tại bộ phận “một cửa” UBND quận Hà Đông chia sẻ: “Tôi thấy ứng dụng này rất hiện đại, văn minh, thể hiện rõ sự đầu tư về thiết bị công nghệ hướng đến phục vụ người dân của đơn vị”.

Cũng với tinh thần phục vụ, UBND xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) đã triển khai mô hình “3 tại nhà” đối với thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội. Theo đó, cán bộ xã đến tận nhà thực hiện tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và trả kết quả để người dân không phải tự đi làm thủ tục.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quang Lãng Nguyễn Thị Hải Yến, đối tượng bảo trợ xã hội đa phần là những công dân có hoàn cảnh khó khăn (người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, trẻ mồ côi…) nên việc đi lại để làm hồ sơ hưởng chế độ hằng tháng rất khó khăn. Hơn nữa, nhiều người cũng không biết hết quyền lợi của mình trong việc được hưởng các chính sách để đi làm các thủ tục hành chính nên việc áp dụng mô hình này rất thiết thực, hữu ích đối với người dân. Tính từ năm 2020 đến nay, cán bộ, công chức UBND xã Quang Lãng đã thực hiện vài trăm lượt đến nhà dân chi trả trợ cấp, hướng dẫn làm thủ tục hành chính…

Ông Nguyễn Văn Khỏe (thôn Mai Xá, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên), có vợ và con khuyết tật, được cán bộ xã đến nhà hướng dẫn làm các thủ tục hành chính để nhận các chế độ hỗ trợ cho biết, gia đình rất cảm động trước sự chu đáo, quan tâm của chính quyền.

Cùng với các điển hình trên, thành phố Hà Nội còn có nhiều mô hình hướng đến người dân được các đơn vị duy trì, triển khai như: Xã Minh Cường (huyện Thường Tín), phường Việt Hưng (quận Long Biên), phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)… tổ chức lễ trao giấy khai sinh, giấy kết hôn cho công dân. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đông Anh thực hiện đăng ký khai sinh lại lưu động cho công dân cao tuổi, già yếu, những người không tự đi lại được.

Cán bộ UBND xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) đến tận nhà hướng dẫn người dân làm hồ sơ nhận tiền trợ cấp. 

Khuyến khích nhân rộng các mô hình hay

Theo Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND quận Hà Đông Mai Thị Kim Hồng, sau thời gian thử nghiệm, hệ thống ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại bộ phận “một cửa” đã được nghiệm thu và đánh giá hiệu quả hoạt động tốt, ổn định, giảm thiểu việc lấy số ảo, lấy hộ số; cán bộ quản lý được danh sách công dân thực hiện giao dịch. Do đó, Văn phòng HĐND-UBND quận đề xuất UBND quận Hà Đông cho phép triển khai ứng dụng đồng bộ tại bộ phận “một cửa” của 17 phường thuộc quận.

Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lại Đỗ Quyên cho biết, việc đến tận nhà giúp người dân làm thủ tục hành chính sẽ vất vả hơn cho công chức. Tuy nhiên, với tinh thần phục vụ và đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu, một số xã trên địa bàn huyện vẫn duy trì triển khai. Đây cũng sẽ là yếu tố quan trọng trong đánh giá chất lượng cán bộ, công chức cũng như công tác cải cách hành chính của đơn vị. “Để phát huy hiệu quả các cách làm hay, huyện tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm thực tiễn trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính qua ứng dụng Zalo “một cửa”. Cùng với đó, huyện thường xuyên thông tin, tuyên truyền về những sáng kiến, giải pháp, đột phá trong cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động”, bà Lại Đỗ Quyên thông tin.

Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tuấn Anh cho biết: “Qua nắm bắt thông tin và kiểm tra công vụ, chúng tôi ghi nhận nhiều đơn vị đã chủ động triển khai, áp dụng các giải pháp mới nhằm phục vụ người dân tốt hơn, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Điều này cũng rất phù hợp khi Sở Nội vụ đã ban hành Công văn số 1980/SNV-CCHC ngày 12-7-2021 về việc đăng ký sáng kiến, giải pháp, ý tưởng mới trong công tác cải cách hành chính năm 2021. Các mô hình, giải pháp sẽ được xem xét, đánh giá mức độ hiệu quả để nhân rộng nếu cần thiết”. 

Theo Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2021, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính của thành phố đạt tối thiểu 85%; tối thiểu 99% số hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả đúng hạn, trước hạn… Tin tưởng rằng, những cách làm thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của các cơ quan hành chính nhà nước sẽ góp phần để Hà Nội đạt được các mục tiêu đề ra.

Phong Thu